Đã nhiều năm qua, ở Hà Nội và nhiều thành phố khác trên cả nước thường xuyên diễn ra cảnh xe ba gác, xe tự chế hoạt động tự do trên đường phố. Ngoài những mặt tích cực như giải quyết nhu cầu vận chuyển trên các đường phố, ngõ ngách nhỏ bé, ngoằn ngoèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì hình thức vận chuyển này là nguy cơ xảy ra TNGT cao; vì xe 3 bánh tự chế thường chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải và hệ số an toàn thấp. Đã có nhiều vụ TNGT thương tâm liên quan đến xe 3-4 bánh tự chế.. Đây không phải là lần đầu Hà Nội thu hồi xe ba gác, xe tự chế. Từ năm 2013, Thủ đô đã cấm các loại phương tiện như xe ba gác, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, chở vật liệu xây dựng. Công an T.P Hà Nội cũng từng ra quân nhiều đợt tổng kiểm tra, xử lý xe 3-4 bánh tự chế giả danh thương binh, người khuyết tật, chở hàng quá khổ, quá tải. Theo số liệu thống kê của Công an T.P Hà Nội, hiện có 4.367 xe 3-4 bánh tự chế đang hoạt động (trong đó có 593 trường hợp thương binh; 88 trường hợp bệnh binh; 99 trường hợp người khuyết tật và 3.587 trường hợp khác). Thời điểm hiện tại, theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố không còn cơ sở sản xuất và kinh doanh xe 3 bánh hoạt động công khai. Tuy nhiên, còn một số cơ sở lợi dụng hoạt động sửa chữa xe để lén lút tự dóng phương tiện xe 3 bánh khi có người đặt hàng, cùng đó là xe 3 bánh tự dóng từ các địa phương khác về Hà Nội. Số lượng xe nhiều như vậy nhưng chỉ có 33 xe được đăng ký và cấp phép lưu hành. Tình trạng xe 3-4 bánh cũ nát, không được đăng ký, đăng kiểm chạy trên đường phố hiện rất phổ biến. Các phương tiện này thường chở hàng hóa cồng kềnh, lưu thông vào mọi khung giờ, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Để giải quyết tình trạng này, T.P Hà Nội đưa ra 4 mốc thời gian, cũng như biện pháp để hạn chế, tiến tới cấm sử dụng xe ba bánh là rà soát, phân loại đối tượng sử dụng, số lượng phương tiện, tịch thu phương tiện đối với các trường hợp không liên quan đến thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; vận động thương binh, bệnh binh, người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh dành riêng cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; không cho các đối tượng khác mượn, điều khiển xe... Với lộ trình cuối cùng từ ngày
1-1 đến 30-6-2018, triển khai việc cấp biển số, đăng ký, đăng kiểm cho các xe cơ giới ba bánh do thương binh điều khiển tham gia giao thông, đảm bảo mỗi thương binh chỉ sử dụng 1 xe 3 bánh và sau đó là thu hồi toàn bộ xe 3-4 bánh không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, dán logo cho toàn bộ xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Cùng với thực hiện lộ trình này, Hà Nội xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật có điều kiện đảm bảo cuộc sống, thay cho việc sử dụng xe 3-4 bánh làm công cụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề hỗ trợ đào tạo nghề đối với chủ phương tiện là thương binh, người khuyết tật được hưởng chính sách theo quy định. Việc “chốt” thời hạn đến ngày 30-6 được xem là động thái quyết liệt nhất từ trước đến nay của các cấp, các ngành của Thủ đô.
Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 6 này, khi mà chỉ còn hơn 20 ngày nữa “giờ G” sẽ đến, vậy mà xe tự chế vẫn hoạt động ở hầu hết mọi tuyến phố Hà Nội. Nơi tập trung nhiều loại xe này là ở các tuyến phố có cửa hàng bán đồ gỗ, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng… Trên các tuyến phố Minh Khai, Đê La Thành, Mễ Trì Hạ, Kim Giang, khu đô thị Xa La… tập kết hàng chục xe tự chế hoạt động công khai. Những tài xế có cả nam, cả nữ, lứa tuổi 50-60, nhưng cũng rất nhiều người chỉ độ 20-30 tuổi, nhưng tất cả các xe đều dán mác “Xe thương binh”. Họ mắc võng trên xe nằm đợi khách, số điện thoại được viết trên thành xe… Hỏi chuyện một số lái xe tự chế, chúng tôi được biết, để tránh Cảnh sát giao thông họ áp dụng một số “võ” như một người đủ tiêu chuẩn đăng ký nhiều xe rồi cho thuê lại; hoạt động vào giờ trưa, tối để tránh kiểm tra; một số trường hợp, khi bị kiểm tra thì kéo đông người đến gây áp lực; bố trí một thương, bệnh binh đi cùng, khi bị kiểm tra thì viện sức khỏe yếu, nên nhờ con lái giúp…
Trước thông tin đến hết tháng 6 sẽ cấm xe 3 bánh tự chế hoạt động, nhiều đồng chí thương binh tham gia chạy loại xe này cho chúng tôi biết đã nắm được chủ trương của thành phố và tâm sự, sẵn sàng chấp hành các quy định đề ra, nhưng cũng mong các biện pháp hỗ trợ của thành phố sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực để giúp cho cuộc sống của gia đình mình, sẽ có loại xe thay thế để vừa có thể giúp các thương binh đi lại, vừa có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình; mong cơ quan kiểm định và cơ quan Công an giúp nhanh chóng kiểm định và cấp đăng ký cho xe của các thương binh đạt yêu cấu, ngăn chặn những trường hợp giả danh thương binh để gây tiếng xấu…
Giải quyết thấu đáo vấn đề xe 3-4 bánh tự chế đang là yêu cầu cấp thiết của xã hội, là mong mỏi của người dân hiện nay.
Nguyễn Công