Giải phóng thành phố Cần Thơ
Tiếp quản Đài vô tuyền truyền hình Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ, được Mỹ ngụy xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn. Theo phương án của chúng, nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải án giữ là vùng Tây Nam Bộ, lấy Cần Thơ làm trung tâm. Do vậy Bộ tư lệnh vùng IV chiến thuật, điều phần lớn lực lượng về trấn thủ với khoảng 20.000 tên, 400 đồn bốt, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, Sư đoàn 21, Sư đoàn 7, Sư đoàn Không quân số 4, Thiết đoàn số 8, Chi đoàn 296; bố trí thành 3 tuyến phòng thủ. Ngoài ra chúng còn tăng cường máy bay phản lực A37, máy bay trực thăng ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa...
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, phối hợp Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Quân khu 9 chia làm 3 hướng nổ súng tiến công địch: Một hướng gồm các đơn vị chủ lực, tiểu đoàn Tây Đô III, đánh chiếm Châu Thành A, lên lộ Vòng Cung qua Trà Niền xã Nhơn Ái... Một hướng gồm Tiểu đoàn Tây Đô I, Đội biệt động thành phố do đồng chí Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) - Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, trực tiếp chỉ huy từ Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ, tiến về xã An Bình... Một hướng gồm Tiểu đoàn Tây Đô II, Tiểu đoàn 303 chủ lực, từ Vĩnh Long vượt sông Hậu, phát triển về Châu Thành B, Xóm Chài (phường Hưng Phú) và Cái Răng...
Ngày 28-4-1975, Tòa lãnh sự Mỹ ở T.P Cần Thơ rút chạy. Bọn ngụy hoang mang, nhưng vẫn điều thêm lực lượng bảo vệ tuyến Vòng Cung bị ta đánh mạnh vào 2 trung đoàn chủ lực ngụy đang án ngữ. Bên bờ Bắc sông Hậu, tại Bình Minh, Lữ đoàn pháo binh 375 bắn chi việc các hướng và chế áp sân bay Trà Nóc. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 cùng với Đại quân chiếm Dinh Độc Lập của ngụy quyền ở Sài Gòn, Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng nội ô nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã định. Khắp nơi trong thành phố tiếng loa phóng thanh vang lên lời kêu gọi địch đầu hàng, giao nộp vũ khí cho cách mạng. Ở các phường An Hội, An Hòa, An Nghiệp quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, truy lùng bắt bọn ác ôn đầu sỏ; viên Trung tá. Chỉ huy trưởng Trung tâm 4 nhập ngũ ở đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30-4) cùng 2 nhân viên cấp dưới là cơ sở nội tuyến của ta mở cửa giải thoát cho hơn 4.000 thanh niên bị địch bắt đi lính và 1.000 lao công đào binh đang bị giam cầm. 12 giờ, ta chiếm 2 trại giam: khám lớn ở Cần Thơ và khám Nha cảnh sát miền Tây (cầu Bắc) giải thoát hơn 6.000 tù chính trị và thường phạm. Số anh em này tình nguyện cùng lực lượng cách mạng truy bắt những tên tai sai của địch.
14 giờ 30 phút, ta chiếm Đài phát thanh Cần Thơ, 15 giờ Bản tuyên bố đầu tiên của UBND cách mạng, do đồng chí Năm Bình đại diện Ủy ban khởi nghĩa đọc phát trên sóng của đài. 18 giờ, lực lượng tự vệ và nhân dân Hưng Thạnh chiếm trụ sở phường, Tiểu đoàn 303 chiếm Chi cảnh sát, giải phóng khu vực xóm Chài, phường Hưng phú. Tại Châu Thành, Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công địch ở bờ nam sông Cái Răng, giải phóng thị trấn Cái Răng và xã An Bình. Trung đoàn 20 chốt giữ cầu Trà Nóc, rồi làm chủ sân bay Trà Nóc lúc 18 giờ 30 phút. Ở Long Tuyền lực lượng tự vệ và nhân dân nổi dậy tự giải phóng mình và yêu cầu các đồn bốt giao nộp vũ khí, Trung đoàn 10 chiếm kho đạn Bình Thủy và sân bay lộ tẻ (phi trường 31). Trung đoàn 6 tiến công chi khu Phong Điền được nhân dân hướng dẫn tiến về T.P Cần Thơ.
18 giờ 30 phút tại Dinh tỉnh trưởng, đồng chí Trần Minh Sơn - Phó bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thanh Sơn và Bộ Chỉ huy Mặt trận tiền phương khống chế và buộc Mạch Văn Trường ra lệnh cho toàn Sư đoàn 21 ngụy hạ súng đầu hàng quân giải phóng. T.P Cần Thơ - Trung tâm đầu não của địch ở miền Tây Nam Bộ được giải phóng lúc 18 giờ 30, ngày 30-4-1975, góp phần giải phóng ĐBSCL, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trần Hiếu