Giải phóng mặt bằng quốc lộ 39, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: Năng lực yếu hay cố ý làm trái? (17/10/2011)
Chẳng hạn như những văn bản quy định về lưu không đường, vấn đề quản lý đất đai, việc buông lỏng quản lý xây dựng hành lang 2 bên đường diễn ra nhiều năm liền; đặc biệt là việc đo đạc, thực hiện không theo quy trình GPMB của Ban GPMB huyện Đông Hưng và các tổ giúp việc ở các xã đã có những biểu hiện tiêu cực, không công bằng cũng khiến cho người dân bức xúc, xảy ra tình trạng khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Thực hiện quết định số 2587/QĐ – UBND ngày 12 -9- 2008, của UBND tỉnh Thái Bình về việc thu hồi đất để thực hiện giải phóng mặt bằng( GPMB) nâng cấp cải tạo quốc lộ 39-2( quốc lộ 39, gói thầu số 2) , đoạn qua huyện Đông Hưng. Theo quyết định trên, Ban GPMB huyện Đông Hưng có trách nhiệm thu hồi 137.606,0 m2 đất thuộc địa giới hành chính 11 xã thuộc huyện Đông Hưng, bao gồm : Minh Tân: 4.272,0m2; Thăng Long: 15.715,4m2; Hoa Lư: 3.012m2; Chương Dương: 12.002,0 m2; Nguyên Xá: 16.840,6m2; Thị trấn Đông Hưng: 3.074m2; Đông Tân: 26.674,0m2; Đông Phong: 11.119,9; Đông Kinh: 2.652,0 m2; Đông Á: 17. 393,3m2; Đông Hoàng 24. 850,2 m2. Số liệu trên được trích lục từ bản đồ địa chính của các xã trên do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường lập ngày 19-8-2008 và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định ngày 22-8-2008 và 26-8-2008. Một phần đất của ông Tô Đông Pha bị lực lượng ban GPMB huyện Đông Hưng tiến hành bảo vệ thi công Trao đổi với phóng viên báo CCB Việt Nam , ông Nguyễn Thế Vịnh, phó Ban GPMB quốc lộ 39-2 cho biết: “ Tổng chiều dài được nâng cấp, mở rộng qua địa giới hành chính huyện Đông Hưng là khoảng 18 km, trong đó tuyến 1 từ km 64( xã Minh Tân) đến km 74 ( thị trấn Đông Hưng) là 10 km; tuyến 2 từ xã Đông Hoàng đến xã Đông Tân là 8 km. Nguồn vốn đầu tư cho việc nâng cấp mở rộng cho con đường là 159 tỷ đồng, nguồn vốn này vay từ ngân hàng thế giới ( WB), còn nguồn vốn phục vụ cho GPMB là nguồn vốn đối ứng trong nước. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã giải ngân cho công tác GPMB là hơn 100 tỷ đồng; chủ đầu tư dự án là: Ban quản lý dự án giao thông 2, thuộc Bộ Giao thông Vận tải”. Cán bộ xã sai phạm, “ đứng trước gương tự kiểm điểm”!
Trong quá trình thực hiện GPMB quốc lộ 39 – 2, việc xác định nguồn gốc đất, việc xác định mốc lộ giới, hành lang lưu không đường, rồi quy trình thực hiện GPMB không theo trình tự, không công khai, minh bạch của Ban GPMB huyện Đông Hưng đã gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân. Xin dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể như sau:
Tại nội dung kết luận số 03/KL- UBND, ngày 25- 4- 2011 về việc Thanh tra một số nội dung trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện đền bù GPMB quốc lộ 39A cho một số hộ dân tại xã Minh Tân do chủ tịch UBND huyện Đông Hưng Phạm Công Tráng ký đã cho thấy những sai sót lẽ ra không đáng có. Chẳng hạn như trường hợp của hộ bà Vũ Thị Chiến( Bằng). Nếu như trong phương án bồi thường, GPMB lưu tại UBND xã Minh Tân thì hộ bà Chiến có diện tích phải thu hồi là 93,1m2 là đất thổ cư, theo đó số tiền được bồi thường là 372.400.000,0 đồng, nhưng khi đoàn thanh tra của huyện làm việc đã “bóc” ra số diện tích trên lại là đất ao, và đã phát hiện ra bản đồ 299( bản sao) đã bị sửa và không thể hiện rõ ràng. Như vậy nếu đền bù theo giá đất thổ cư thì số tiền chênh lệch sẽ rất lớn so với đất ao.
Sai sót trầm trọng hơn là có 12 hộ dân không có diện tích bị thu hồi theo bản đồ GPMB, nhưng lại có diện tích đất thu hồi được đền bù trong phương án của Hội đồng bồi thường- GPMB và có 20 hộ có diện tích bị thu hồi theo bản đồ GPMB là ít, nhưng trong phương án hỗ trợ bồi thường- GPMB lại có diện tích đất thu hồi tăng lên.
Cũng theo kết luận thanh tra: Để xảy ra các tồn tại, sai phạm trên trách nhiệm chính thuộc về đồng chí chủ tịch UBND xã Trần Văn Toản và đồng chí cán bộ địa chính Phạm Bá Quang. Đối với ông Toản: “…trong lãnh đạo, điều hành, đã cố ý làm sai quy định pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra xác minh nguồn gốc sử dụng đất, gây bức xúc trong cán bộ Đảng viên và nhân dân…”. Hiện nay ông Toản đã thôi chức chủ tịch UBND xã Minh Tân. Đối với ông Phạm Bá Quang( hiện vẫn đang là cán bộ địa chính xã Minh Tân): “… nhiều năm liền là cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý đất đai, tham mưu giúp UBND xã quản lý, sử dụng đất đai, nhưng đã để xảy ra nhiều sai phạm. Trong việc thực hiện đền bù GPMB quốc lộ 39, ông Quang cố ý làm sai trong việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất của hộ ông Cường, ông Hạnh, ông Quang cũng đã lập biên bản giao đất cho các hộ bà Hà, bà Mão( con ông Trụ), ông Tránh khi nhận chuyển nhượng, lập biên bản thuê khoán của hộ ông Hùng, trực tiếp quản lý nguồn gốc đất hộ bà Thoa, bà Chiến; đã cố ý làm sai khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong GPMB quốc lộ 39, gây ra những sai phạm làm bức xúc dư luận”.
Trước những sai phạm trên của ông Toản và ông Quang, chủ tịch UBND huyện Đông Hưng đề nghị Ban Thường vụ huyện ủy, Ủy ban kiểm tra huyện ủy xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Trần Văn Toản – chủ tịch UBND xã và một số cán bộ khác như cán bộ kế toán, ngân sách xã, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, bí thư và phó bí thư xã Minh Tân. Riêng đối với ông Trần Văn Toản và ông Phạm Bá Quang làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho hộ ông Phạm Trung Thông(xã Phú Châu) và thực hiện đền bù GPMB quốc lộ 39 – 2 cho một số hộ dân xã Minh Tân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, kể từ khi có kết luận đến nay đã 7 tháng trôi qua nhưng những cán bộ này vẫn chưa bị xử lý và mới dừng ở mức “ tự kiểm điểm”. Dư luận nơi đây cho rằng, cán bộ vi phạm pháp luật nhiều như vậy mà “ đứng trước gương tự kiểm điểm” thì còn coi kỷ cương, phép nước ra gì nữa?
Làm trái quy trình!
Trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng quốc lộ 39-2, đoạn qua xã Minh Tân, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, mặc dù người dân không được nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện nhưng Ban bồi thường, GPMB vẫn tiến hành chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân. Chẳng hạn như trường hợp của xã Đông Á: theo số liệu của ông Lê Văn Luy, cán bộ địa chính xã cung cấp cho PV thì đến thời điểm này, xã Đông Á đã chi trả được 50 trường hợp có đất thổ cư trên tổng số 113 hộ , còn lại 63 hộ đang xác minh nguồn gốc đất. Theo sổ sách mà ông Luy cung cấp thì toàn bộ 50 hộ đã nhận tiền đều không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân. Ông Luy cho biết thêm: “ Những quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân, chúng tôi sẽ gửi đến người dân sau ”. Như vậy, Ban GPMB huyện Đông Hưng đã không làm theo Quyết định số 2587 của UBND tỉnh Thái Bình, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca ký. Tại điều 2 của Quyết định ghi rõ: “ UBND huyện Đông Hưng kiểm đếm chi tiết diện tích, loại đất, đối tượng sử dụng đất; quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân…”.
**“ Cưỡng chế” hay “ bảo vệ thi công”? **
Việc thực hiện giải phóng mặt bằng ở xã Minh Tân, xã Đông Hoàng cũng có nhiều trường hợp tương tự, không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, hoặc hộ gia đình, cá nhân không được nhận quyết định thu hồi đất, nhưng Ban GPMB của huyện vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện, bằng hình thức “ bảo vệ thi công” hoặc hình thức “ cưỡng chế”. Cụm từ “ bảo vệ thi công” đã trở thành câu cửa miệng của lãnh đạo các xã và huyện Đông Hưng. Còn đối với người dân, khi được hỏi nhiều người dân ở một số xã có đường 39 thuộc diện bị thu hồi đất, cụm từ này cũng đã dần trở nên quen thuộc như một sự thật hiển nhiên. Để cắt nghĩa cụm từ “bảo vệ thi công”, khác từ “ cưỡng chế” như thế nào. Phóng viên báo CCB VN được ông Nguyễn Thế Vịnh giải thích như sau: “Những hộ gia đình, cá nhân bị “cưỡng chế” là những trường hợp có đất ruộng hay đất thổ cư nằm trong phạm vi giải tỏa để thi công đường, nhưng cố tình không chấp hành các quy định của nhà nước, buộc chính quyền phải thực hiện “ cưỡng chế”; còn việc “ bảo vệ thi công” là chúng tôi phối hợp với đơn vị thi công, giải tỏa những phần đất “lưu không”, trước cửa các hộ gia đình, phần đất này theo quy định là không được đền bù”.
Để quá trình “bảo vệ thi công” được diễn ra suôn sẻ, ông Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, Phạm Công Tráng đã ra các thông báo thành lập các tổ “ bảo vệ thi công” rất bài bản, chẳng kém gì một quyết định tổ chức “cưỡng chế”. Xin lấy ví dụ ở xã Đông Hoàng. Ngày 7-10-2011, UBND huyện Đông Hưng ra thông báo số 30/TB- UBND gửi UBND xã Đông Hoàng về việc bảo vệ thi công do chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, Phạm Công Tráng ký. Sau khi nhận được chát( công văn) của quan trên, cùng ngày hôm đó( 7-10-2011), chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, Phạm Văn Mạnh ký quyết định: “ Thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ phương án thi công quốc lộ 39-2, xã Đông Hoàng”, thành phần tham gia rất hùng hậu, gồm có: ông chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mạnh làm trưởng Ban, ông phó chủ tịch UBND xã Phí Văn Khổng làm phó Ban và các ban, ngành, đoàn thể như mặt trận tổ quốc xã , công an xã, chỉ huy quân sự xã , hội phụ nữ, hội nông dân… làm ủy viên. Sau khi Ban chỉ đạo được thành lập, UBND xã Đông Hoàng ra các thông báo đến những hộ dân “cá biệt” mà chính quyền buộc phải “ra tay”. Trong thông báo số 05/TB- UBND gửi hộ ông Tô Văn Quân, thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng có đoạn: “ quốc lộ 39-2 đã triển khai, kiểm đếm làm phương án GPMB- Hội đồng GPMB huyện và UBND xã đã gửi thông báo đến gia đình nhiều lần để nhận tiền hỗ trợ đền bù GPMB, nhưng gia đình vẫn chưa đến nhận tiền với nhiều lý do… Để đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ, nay UBND xã thông báo đề nghị gia đình ông bà khẩn trương thu dỡ tài sản, hoa màu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đến ngày 9-10-2011(chủ nhật) phải xong, nếu không thu dỡ, đúng 8 giờ, ngày 10-10-2011( tức thứ 2), **Hội đồng GPMB sẽ tổ chức thi công”. **Các hộ gia đình ông Tô Đông Pha, Tô Văn Tiến ở thôn Thái Hòa 1 và một số hộ dân khác thuộc xã Đông Hoàng cũng nhận được những thông báo như vậy và cũng bị “bảo vệ thi công” như vậy.
Trao đổi với PV, ông Tô Đông Pha, thôn Thái Hòa 1 – CCB chống Mỹ năm nay đã vào tuổi thất thập, sức khỏe vốn đã không được tốt, nay lại chịu “cú sốc” này khiến sức khỏe của ông càng thêm nặng và đã phải nhập viện, bức xúc nói: “ Ngày 7-10-2011, tôi nhận được thông báo bảo vệ thi công của xã, 3 ngày sau ( ngày 10-10-2011), Ban GPMB của huyện phối hợp với lực lượng của xã đã dùng máy xúc, máy ủi tiến hành “bảo vệ thi công” phần đất gia đình nhà tôi”. Nếu theo như ông Nguyễn Thế Vịnh giải thích thì phần đất phải bảo vệ thi công là đất hành lang lưu không( phần đất này không thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân và không được đền bù) . Điều đó có nghĩa là Ban GPMB của huyện đã xác định rõ được nguồn gốc đất và cũng đã tuyên truyền cho người dân hiểu rồi, và khi đã làm rõ như vậy thì đương nhiên là Ban GPMB huyện Đông Hưng phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban quản lý giao thông 2, còn thi công là phần việc của chủ đầu tư và đơn vị thi công, vậy tại sao UBND huyện Đông Hưng vẫn phải “vất vả” thành lập những tổ “ bảo vệ thi công”? Người dân huyện Đông Hưng, nhất là những hộ dân tới đây sẽ nằm trong diện bị thu hồi đất , giải tỏa ở xã Đông Á, Đông Tân … đang rất “ hoang mang, lo lắng” cách làm này của các cấp chính quyền huyện Đông Hưng. Người dân huyện Đông Hưng nói riêng, người dân tỉnh Thái Bình nói chung rất muốn có những con đường rộng rãi và chất lượng tốt để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, do đó họ cũng rất ủng hộ chủ trương này của Bộ Giao thông Vận tải và các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình. Tâm nguyện của người dân nơi đây cũng rất mong con đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng trong quá trình thực hiện GPMB , các cấp chính quyền huyện Đông Hưng nên thực hiện theo đúng trình tự, đúng pháp luật và đơn vị thi công làm theo đúng thiết kế để con đường có chất lượng tốt. Làm được như vậy thì lòng dân mới thuận.
Quốc Hưng