Giải phóng Cần Thơ
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể về chiến sự ngày 30-4-1975.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4), chúng tôi may mắn được gặp Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) - Anh hùng LLVTND, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ (người trực tiếp chỉ huy giải phóng T.P Cần Thơ năm 1975) kể về giây phút lịch sử ngày 30-4-1975 tại Cần Thơ.
“Cần Thơ - nơi được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn. Theo phương án Gavin của Mỹ - ngụy, nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải án giữ là vùng Tây Nam Bộ, lấy Cần Thơ làm trung tâm, nên địch quyết tâm phòng thủ. Bộ tư lệnh vùng IV chiến thuật ngụy đã điều phần lớn lực lượng về cố thủ quanh T.P Cần Thơ. Lúc này quân số địch ở Cần Thơ có khoảng 20.000 tên, 400 đồn bốt, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, sư đoàn 21, sư đoàn 7, sư đoàn không quân số 4, thiết đoàn số 8, chi đoàn 296 ngụy…
Để bảo vệ T.P Cần Thơ, địch bố trí 3 tuyến phòng thủ từ tuyến lộ Vòng Cung, cửa ngõ đi vào trung tâm đầu não thành phố: Tuyến 1. Vòng ngoài gồm tuyến phòng thủ ở Phụng Hiệp, Châu Thành A, Ô Môn, do trung đoàn chủ lực đảm nhiệm. Tuyến 2: Lộ Vòng Cung, gồm Sư đoàn 21 (4 trung đoàn chủ lực), 1 trung đoàn bảo an và Tuyến 3: Lộ Nguyễn Viết Thanh (nay là đường 3-2, T.P Cần Thơ).
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 (QK9), quân ta nổ súng tiến công ở Cần Thơ phối hợp chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh chia làm 3 cánh quân tiến công áp sát thành phố Cần Thơ: Một cánh quân gồm các đơn vị chủ lực QK9, Tiểu đoàn Tây Đô III tiến về Châu Thành A, lên lộ Vòng Cung, qua Trà Niền, xã Nhơn Ái; một cánh quân bao gồm tiểu đoàn Tây Đô I, Đội biệt động T.P Cần Thơ do tôi (Lê Thanh Sơn) - Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, trực tiếp chỉ huy tiến thẳng về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ qua xã An Bình. Cánh quân thứ ba gồm Tiểu đoàn Tây Đô II tỉnh Cần Thơ cùng với Tiểu đoàn 303 chủ lực QK9 từ Vĩnh Long vượt sông Hậu qua hướng Châu Thành B tiến thẳng về Xóm Chài (phường Hưng Phú) và Cái Răng.
Ngày 28-4-1975, tòa Lãnh sự Mỹ ở T.P Cần Thơ rút chạy. Ngụy quyền, ngụy quân hoang mang, nhưng vẫn điều thêm lực lượng bảo vệ tuyến Vòng Cung. Trong ngày này, ta đã nổ súng đánh 2 trung đoàn chủ lực của ngụy trên lộ Vòng Cung. Bên bờ bắc sông Hậu, tại Bình Minh, Lữ đoàn pháo 375/QK9 kịp thời bắn pháo cối chế áp sân bay Trà Nóc.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cùng lúc với đại quân chiếm Dinh Độc Lập của ngụy quyền Sài Gòn, Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng trong nội ô nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã chọn. Khắp nơi trong thành phố, máy phóng thanh vang lên lời kêu gọi địch giao nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng. Ở các phường An Hội, An Hòa, An Nghiệp, quần chúng nổi dậy giành chính quyền, truy lùng bắt bọn ác ôn đầu sỏ; viên trung tá chỉ huy trưởng trung tâm nhập ngũ 4 ở đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30-4 T.P Cần Thơ), cùng 2 nhân viên cấp dưới là cơ sở nội tuyến của ta mở cửa giải thoát cho hơn 4.000 thanh niên bị địch bắt đi lính và 1.000 lao công đào binh bị giam cầm ở đây. 12 giờ, ta chiếm 2 trại giam: Khám lớn ở Cần Thơ và khám Nha cảnh sát miền Tây (cầu Bắc) giải thoát hơn 6.000 tù chính trị và thường phạm bị địch bắt giam giữ. Số anh em này tình nguyện cùng lực lượng cách mạng truy bắt những tên tay sai của địch.
14 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, ta chiếm đài phát thanh Cần Thơ; 15 giờ bản Tuyên bố đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng T.P Cần Thơ do đồng chí Năm Bình - đại diện Ủy ban khởi nghĩa T.P Cần Thơ đọc được phát trên sóng của đài phát thanh Cần Thơ.
18 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân Hưng Thạnh chiếm trụ sở phường; Tiểu đoàn 303 chủ lực QK9 chiếm chi cảnh sát, làm chủ khu vực Xóm Chài, phường Hưng phú. Tại Châu Thành, Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công địch trên bờ nam sông Cái Răng làm chủ quận lỵ Châu Thành (thị trấn Cái Răng), tước súng phòng vệ, làm chủ xã An Bình, quần chúng nhân dân dẫn đường cho bộ đội tiến vào nội ô Cần Thơ. Trung đoàn 20 chủ lực QK9 áp sát sân bay Trà Nóc, chốt giữ cầu Trà Nóc, rồi tiến vào sở chỉ huy làm chủ hoàn toàn sân bay Trà Nóc lúc 18 giờ 30 phút. Ở Long Tuyền, lực lượng tự vệ và nhân dân nổi dậy làm chủ tuyến lộ song lươn, buộc các đồn bốt phải giao nộp vũ khí đầu hàng; Trung đoàn 10 chủ lực QK9 chiếm kho đạn Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ (phi trường 31). Trung đoàn 6 chủ lực QK9 tiến công tiêu diệt chi khu Phong Điền, được quần chúng nhân dân hướng dẫn tiến về T.P Cần Thơ theo kế hoạch.
Riêng cánh quân chủ yếu của tôi hành tiến đến mé sông Cần Thơ - Phong Điền (sông có chiều ngang hơn 200m đoạn Rạch Sung, cách Dinh tỉnh trưởng Cần Thơ chừng hơn 10km), khoảng 14 giờ ngày 30-4-1975, thì thấy bên kia sông, quãng rạch Rau Răm lố nhố quân lính Sư đoàn 21 ngụy; qua máy thông tin của đơn vị, tôi gặp tên chỉ huy của đơn vị này. Khi lên máy, tôi tự xưng là người chỉ huy cao nhất của cánh quân này hỏi hắn có nghe thượng cấp ra lệnh ai ở đâu ở tại đó không? Hắn trả lời “có”; tôi ra lệnh cho hắn cho quân tránh xa hai bên khoảng 200m và bảo đảm an toàn cho đoàn quân chúng tôi vượt sông. Tên chỉ huy dạ dạ rồi làm y lệnh của tôi. Tôi cho 2 xuồng trinh sát qua trước rồi đến đoàn quân vượt sông an toàn. Khi sang sông xong, chúng tôi thấy cảnh quân lính địch đúng là quân thất trận: Súng đạn, xe cộ bỏ ngổn ngang bên đường, nhìn chúng tôi hành tiến ra T.P Cần Thơ. Chúng tôi đi khoảng 3km đến đoạn cầu Đầu Sấu thì có 5 chiếc xe nồi đồng của địch (người của ta lái), đang đợi sẵng để chở chúng tôi tiến ra Dinh tỉnh trưởng (sào huyệt cuối cùng của chúng).
18 giờ ngày 30-4-1975, chúng tôi tiến vào Dinh tỉnh trưởng thì được biết tên tỉnh trưởng và bọn tuỳ tùng bỏ chạy từ trước, chỉ còn bọn chỉ huy Sư đoàn 21 đang chờ chúng tôi vào nộp vũ khí. Khi tôi bước vào có khoảng 30 tên trong Bộ chỉ huy Sư đoàn 21 ngồi hai hàng ghế hai bên đều đứng dậy như chào chúng tôi, súng thì bỏ dưới bàn… Tên đứng ngoài cùng hỏi tôi: “Các ông ở đâu mà đến nhanh vậy?”. Tôi trả lời: “Ở đâu có dân là có chúng tôi, nên chúng tôi đến nhanh là tất nhiên”. Hắn hỏi tiếp: “Ông làm chức vụ gì?”. Tôi đoán tên này là chuẩn tướng Mạch Văn Trường - Tư lệnh Sư đoàn 21 thay mặt tên tỉnh trưởng chỉ huy ở đây đã từng chạm trán với tôi nhiều trận trên chiến trường Tây Nam Bộ, nay gặp nhau tại đây thật là “sướng” và tôi trả lời ngay: “Tôi là người chỉ huy cao nhất của Quân giải phóng tại đây”. Tôi nhìn tên sĩ quan này và hỏi ngược lại hắn: “Ai là Mạch Văn Trường?”. Tên sĩ quan ấy nhìn tôi trả lời: “Là tôi và chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao”. Tôi nói: “Các ông chỉ có đầu hàng, chứ không có bàn giao gì hết, ông hãy ra lệnh cho toàn sư đoàn và thuộc hạ ở Cần Thơ buông súng đầu hàng Quân giải phóng”. Hắn nói: “Tôi chỉ ra lệnh cho Sư đoàn 21, còn chính quyền sở tại thì tôi không có quyền”. Tôi nói: “Tên tỉnh trưởng bỏ chạy rồi, giờ đây còn ông ra lệnh, nếu không sẽ đổ máu vô ích”. Liền đó, Mạch Văn Trường cầm bộ đàm nói theo mệnh lệnh của tôi. Như vậy, 18 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, T.P Cần Thơ, trung tâm đầu não của địch ở đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tôi vẫn nhớ mãi giờ phút lịch sử thiêng liêng này tại Cần Thơ, xin kể lại để các bạn trẻ hiểu và giúp mọi người thấu hiểu sâu sắc hơn về những giá trị và thành quả mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh mới giành được”.
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể, Trần Hiếu ghi