Giải pháp tình thế
Phiến quân Houthi trên một đường phố ở thủ đô Sanaa (Yemen).
Ngày 11-1, quân đội Mỹ và Anh đã tiến hành tấn công quy mô lớn hơn 30 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và máy bay chiến đấu nhằm vào các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi.
Trong nhiều tháng trước cuộc tấn công này, các quan chức hàng đầu Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh: Tổng thống Biden không muốn chứng kiến cuộc chiến ở Dải Gaza leo thang thành xung đột lớn hơn ở Trung Đông. Đây là thông điệp trọng tâm mà Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken truyền tải trong tuần qua, khi ông thực hiện chuyến công du thứ tư tới khu vực kể từ khi giao tranh Israel - Hamas nổ ra. Ngày 11-1 ở Cairo, khi được hỏi về những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng Ngoại trưởng Blinken nói: “Chúng tôi muốn tránh leo thang ở Biển Đỏ”. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, Mỹ xác nhận đã cùng Anh và một số quốc gia đồng minh tiến hành cuộc tập kích tên lửa vào loạt mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhằm đáp trả các cuộc tấn công tàu hàng mà nhóm này thực hiện trên Biển Đỏ suốt nhiều tuần qua. Chính quyền Biden tuyên bố đòn tập kích nhằm gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Houthi, sau nhiều lần phát cảnh báo qua kênh ngoại giao bất thành. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hành động này đi ngược lại mục tiêu đã nêu của Washington là giảm leo thang, đồng thời không thể tháo gỡ căng thẳng giữa Israel và Hamas, nguyên nhân sâu xa khiến khủng hoảng gia tăng.
Nhìn rộng hơn về các cuộc xung đột ở Trung Đông mới thấy mối quan hệ chằng chịt của nhiều bên. Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Yemen, trong đó có bờ biển phía tây nhìn ra eo biển Bab al - Mandeb, dẫn tới Biển Đỏ. Nhóm này bắt đầu phóng tên lửa vào Israel và dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ ngay sau khi chiến sự ở Gaza bùng phát tháng 10-2023. Houthi tuyên bố họ nhắm mục tiêu vào các tàu liên quan tới Israel để bày tỏ đoàn kết với Hamas và gây áp lực buộc Tel Aviv chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza, cũng như cho phép vận chuyển nhiều hàng viện trợ nhân đạo hơn vào Gaza. Trong cuộc nội chiến gần 10 năm qua ở Yemen, lực lượng Houthi đã đối đầu với liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu. Arab Saudi mở chiến dịch ở Yemen nhằm đẩy lùi Houthi khỏi thủ đô Sanaa và khôi phục chính quyền được quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen - Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.
Như vậy, nếu không có cuộc không kích của Mỹ và Anh vào lực lượng Houthi ở Yemen thì ở quốc gia này đã có các trận giao chiến nhiều năm qua giữa Houthi và liên quân do Saudi Arabia cầm đầu. Houthi chống Israel, ủng hộ người Palestine và tìm mọi biện pháp để gây sức ép với Israel và cộng đồng quốc tế chú ý tới một giải pháp hòa bình lâu dài cho Palestine. Trong khi đó, Israel vốn có hiềm khích với các quốc gia láng giềng, nhất là Iran - quốc gia hậu thuẫn Houthi - lại đang tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn kéo dài để tiêu diệt các tay súng Hamas ở Gaza, lực lượng đã tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023, sát hại hơn 1.200 người và bắt giữ hàng trăm con tin. Điều đáng quan ngại là các chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza nhiều tháng qua đã khiến hơn 25.000 thường dân Palestine thiệt mạng, cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy. Một thảm họa nhân đạo đã hiển hiện ở Gaza khiến cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng nhưng bị Israel phớt lờ.
Trong nhiều mâu thuẫn lâu dài ở Trung Đông, tranh chấp về lãnh thổ không được giải quyết tận gốc giữa Israel và Palestine là một vấn đề gai góc, kéo dài hàng chục năm qua. Bên cạnh mâu thuẫn về tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là việc Israel, với sự hậu thuẫn của Mỹ, ngày càng lấn tới xây dựng các khu định cư của người Do Thái và đẩy người Palestine vào cảnh như “bị giam ở nhà tù ngoài trời” đã khiến bùng phát nhiều đụng độ chết người.
Khi gốc gác của mâu thuẫn không được chú tâm giải quyết thỏa đáng theo luật quốc tế, xung đột xảy ra là điều dễ hiểu. Với vai trò là một cường quốc có lợi ích trong khu vực, đúng ra Mỹ cùng các đồng minh của mình phải công tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm luật pháp và hòa bình ở khu vực. Thế nhưng, cách người Mỹ nói và cách họ làm lại không nhất quán. Khi nói muốn xung đột không lan rộng nhưng vẫn để đồng minh Israel tấn công làm chết hàng chục nghìn người Palestine. Đặc biệt, việc Mỹ tấn công Houthi, dù với lý do bảo vệ an ninh ở Biển Đỏ, lại làm xung đột thêm trầm trọng. Ngay cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan cũng nhận xét ngày 12-1, một ngày sau cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào lực lượng Houthi: “Trước hết, chúng không tương xứng. Tất cả những điều này cấu thành việc sử dụng vũ lực không tương xứng. Như thể họ đang muốn biến Biển Đỏ thành bể máu vậy”. Như vậy, việc tấn công Houthi mới chỉ là giải pháp tình thế, không những không giải quyết tận gốc được các mâu thuẫn trong khu vực mà còn có thể châm ngòi cho các cuộc trả đũa của Houthi vào các lợi ích của Mỹ, Anh và Israel khiến xung đột thêm trầm trọng.
Thanh Huyền