Giải pháp tích cực đề phòng tái lạm phát (17/12/2009)
Mặc dù thừa nhận những hiệu quả mà các gói kích thích kinh tế năm 2009 đã mang lại, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại lạm phát có thể quay trở lại nếu không được kiểm soát tốt. Hiện dấu hiệu tái lạm phát đã bắt đầu xuất hiện.
Thực tế lạm phát năm nay giữ ở mức một con số và theo chiều hướng giảm, được coi là cố gắng của Chính phủ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, so với mức chung của thế giới thì lạm phát 7% vẫn là khá cao. Chính phủ đang hoàn thiện để tháng 12 đưa ra gói kích cầu thứ hai. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2010. Mặc dù năm 2009 mức thâm hụt ngân sách ước tính 6,9% GDP, thấp hơn mức Quốc hội cho phép do lượng tiền kích cầu chưa được “bơm” ra hết, nhưng không phải vì thế mà năm 2010 được phép chi tiêu kích cầu “bù”. Lạm phát hiện tuy vẫn ở mức thấp, nhưng đang gây áp lực mạnh lên lãi suất và tỷ giá hối đoái, mức thâm hụt thương mại vẫn cao trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh... là những yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn.
Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm, nhiều chuyên gia cho rằng: Cần phải xác định lạm phát có nguyên nhân từ vấn đề tiền tệ hay không và quá trình can thiệp của Chính phủ diễn ra bao lâu. Đặt hệ thống tài chính trước nguy cơ khủng hoảng và nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng trì trệ, suy thoái. Vì thế, cần chỉ ra khi nào có thể sử dụng công cụ tiền tệ, khi nào cần giải quyết vấn đề cơ cấu. Bên cạnh đó kinh tế thế giới khôi phục cũng tác động tới hàng nhập khẩu của Việt Nam. Vì thế, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, điện cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và phân tích tác động đối với lạm phát. Cần phải thận trọng trong việc dự đoán về lạm phát cũng như đưa ra những giải pháp phù hợp, nhằm tránh gây ra bất ổn. Vấn đề ở chỗ làm thế nào để vừa tiếp sức cho nền kinh tế, tận dụng được những khả năng mới của thời hậu khủng hoảng, vừa sử dụng tốt và hợp lý các gói hỗ trợ để giảm bội chi ngân sách và tìm ra mối tương quan hợp lý của chính sách nới lỏng tiền tệ để chống suy giảm kinh tế và thắt chặt lại tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát.
Do vậy, phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng cường công tác quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo quan hệ cung cầu và lợi ích tổng hợp của nền kinh tế; ứng phó có hiệu quả với biến động của các luồng vốn, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, giữ an toàn cán cân thanh toán tổng thể và dự trữ ngoại hối cần thiết.
MAI ANH