Giải pháp nào cho nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Lại một mùa nữa nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó khăn, điệp khúc được mùa rớt giá vẫn đeo đẳng không có lối ra.
Mùa trái cây “đắng”
Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL hiện có gần 300 ngàn héc-ta cây ăn trái các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn, chiếm khoảng 35% về diện tích và 46% về sản lượng của cả nước với nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của những thương hiệu nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang); bưởi Năm roi (Hậu Giang, Vĩnh Long); bưởi da xanh (Bến Tre); quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp), chôm chôm (Trà Vinh, Bến Tre), măng cụt Chợ Lách (Bến Tre), dâu Hạ Châu (Phong Điền, Cần Thơ)… Tuy nhiên, chưa bao giờ trái cây của vùng ĐBSCL lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Đầu tháng 2-2014, giá thanh long ruột đỏ từ 30.000-40.000đ/kg, nhưng nay rớt không ngờ xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg (từ 2-3 trái/kg). Với giá bán này, người nông dân trên thực tế không có thu nhập, thậm chí là lỗ do chi phí sản xuất chăm bón, thuê nhân công cao… Chợ Lách (Bến Tre) là địa phương có diện tích trồng măng cụt lớn nhất khu vực ĐBSCL (trên 1.100ha), tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hòa, Tân Thiềng, Phú Sơn, Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B. Trong đó, Vĩnh Hòa là xã có diện tích trồng măng cụt lớn nhất huyện Chợ Lách với 245ha đang cho quả. Theo ông Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, măng cụt bị sụt giá do năm nay được mùa, sản lượng nhiều và nguyên nhân tồn tại nhiều năm nay là măng cụt Chợ Lách vẫn chưa có đầu ra ổn định, đầu mùa thu mua tại vườn có giá 60.000-80.000 đồng/kg, nhưng đến nay chỉ còn 14.000-15.000 đồng/kg thấp nhất từ trước đến nay.
Nhiều năm nay, Cù lao Tân Qui (Cầu Kè, Trà Vinh) từ lâu được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, một vùng chuyên canh cây ăn trái với đủ loại trái cây đặc trưng của Nam Bộ: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu, nhãn tiêu da bò, bưởi Năm roi... với diện tích trên 600ha vườn chuyên canh cây ăn trái cho sản lượng thu hoạch khoảng 25.000-30.000 tấn/năm, thời gian qua các doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 15-20% sản lượng. Giải thích cho những nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia cho rằng mối liên kết “4 nhà” thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo, nhà nông vẫn chưa quen với mối liên kết này. Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn chạy theo thị trường, nhiều lúc còn không theo quy hoạch, khuyến cáo của Nhà nước và nhà khoa học.
Con tôm thẻ đi tìm “đường bơi”
Hiện nay giá tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL đang giảm mạnh, với mức khoảng 20.000 đồng/kg, chỉ trong vòng 1 tháng. Tại tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng 100 con/kg hiện chỉ còn 85.000 đồng (so với cùng kỳ năm 2013 giá 130.000-150.000 đồng/kg, giảm gần 50%), loại 70 con/kg còn 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 120.000 đồng/kg (giảm hơn 80.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013), với giá cả như hiện nay, nếu trúng vụ, người nuôi chỉ hòa vốn hoặc có lãi ít.
Nguyên nhân tôm rớt giá là do năm trước người dân được mùa bội thu, nay đổ xô đầu tư nuôi làm sản lượng tăng đột biến. Kế đó là khâu chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc không tốt dẫn đến năng suất thấp, chi phí sản xuất cao… nên bất lợi so với các nước có trữ lượng cao tôm chân trắng (như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin) khi cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Bên cạnh đó, các thương lái Trung Quốc ngừng mua chất chitin (chất chitin có nhiều trong vỏ và đầu tôm), dẫn đến doanh nghiệp chitin không mua vỏ và đầu tôm của các cơ sở chế biến thủy sản, giá tôm cứ lao dốc từng ngày. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Sóc Trăng cho biết: Những tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực ĐBSCL, người dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng khá mạnh. Việc tăng sản lượng đột biến là một trong những nguyên nhân làm giảm giá tôm nguyên liệu. Bởi thế, tỉnh khuyến cáo người dân chuyển đổi sang nuôi tôm sú ở những nơi có điều kiện, do giá tôm sú ổn định hơn.
Giải pháp cho trái cây
và tôm
Theo đánh giá Viện cây ăn quả miền Nam, có đến 90% lượng trái cây của vùng ĐBSCL được tiêu thụ trong nước và chỉ có 10% xuất khẩu, chủ yếu là bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc tiêu thụ trái cây Việt Nam tương đối lớn, nhưng kèm theo đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, các thị trường khác như Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã chấp nhận cho trái cây Việt Nam được nhập khẩu như thanh long, chôm chôm, bưởi, chuối… Đây là những thị trường lớn, bán được giá cao nhưng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Không những thế, trái cây Việt Nam còn phải cạnh tranh quyết liệt với trái cây của các nước khác. Vì vậy, nhà nông cần phải gắn kết với nhau để thực hiện cơ chế chính sách, đầu tư của Nhà nước; tư vấn, hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nhà khoa học; hỗ trợ vốn từ ngân hàng và doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trong ngành hàng trái cây nói riêng là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Hơn nữa, liên kết “4 nhà” cần đa dạng liên kết trong từng khâu hay liên kết nhiều khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, liên kết nhiều thành phần trong chuỗi sản phẩm từ cung cấp vật tư đầu vào cho đến cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo đảm sự bền vững của liên kết thì chữ "tín” phải được các bên coi trọng và nông dân phải xác định đây là việc làm vì lợi ích lâu dài cho chính mình.
Do tôm thẻ chân trắng là đối tượng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn so với tôm sú, cho nên người nuôi có xu hướng chuyển dần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh lại việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, dẫn đến nhiều rủi ro và thiệt hại. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, ngoài việc tăng cường quản lý của ngành chức năng, thì điều quan trọng hơn hết là ý thức của các hộ nuôi tôm. Người nuôi cần thực hiện đúng lịch thời vụ, chọn mua giống ở các cơ sở uy tín… Nếu làm được điều đó, tin rằng nghề nuôi tôm của nông dân ĐBSCL sẽ phát triển và tránh được rủi ro, thiệt hại.
Bài và ảnh:
Phương Nghi