Giải pháp nào cho cuộc chiến ở Li-bi? (30/06/2011)

Rõ ràng nếu xét về cán cân lực lượng ngay từ khi Pháp nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc chiến tại Li-bi, có thể thấy, liên quân phương Tây sở hữu sức mạnh áp đảo so với những gì mà ông Ca-đa-phi nắm giữ. Cho dù hàng ngàn đợt không kích liên tiếp nhằm vào những mục tiêu trọng yếu của Li-bi trong suốt hơn 3 tháng qua và nhiều cơ sở chỉ huy quân sự cùng các trung tâm tình báo của "nước này" bị phá hủy, NATO vẫn phải "ngậm đắng nuốt cay" nhìn Tổng thống M.Ca-đa-phi bình thản ngồi đánh cờ giữa thủ đô Tri-pô-li. Dường như lợi thế thời gian lại đang thuộc về “kẻ yếu” là ông Ca-đa-phi trong cuộc chiến với NATO.

Trên thực tế, hỏa lực từ vùng cấm bay của NATO chỉ giúp quân nổi dậy cân bằng lực lượng chứ không thể đè bẹp quân đội của M.Ca-đa-phi giằng co kéo dài đang đẩy Li-bi vào một kịch bản mà liên minh phương Tây không mong đợi. Hơn nữa, trong lúc hai chân vẫn còn chưa rút ra khỏi hai vũng lầy I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, thì can dự quân sự lâu dài tại một đất nước Bắc Phi không phải là viễn cảnh sáng sủa cho NATO, nhất là vào thời điểm nhiều nước thành viên của tổ chức này đang đau đầu với số tiền cho hoạt động ở Li-bi. Người dân ở những quốc gia tham chiến không thể không sốt ruột trước chi phí khủng khiếp đội lên từng ngày, khi Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận Luân Đôn đã đổ vào cuộc chiến vài tháng qua khoảng 400 triệu USD và Lầu năm góc đã đốt khoảng 1 tỷ USD, gấp nhiều lần so với dự tính ban đầu cho cuộc chiến cách xa nước Mỹ tới gần nửa vòng trái đất. Đó cũng chính là điểm yếu của đối phương mà chính quyền Ca-đa-phi nắm được khi tiếp tục thực thi chính sách “lạt mềm buộc chặt” với các tuyên bố hết sức ôn hòa cùng bằng chứng thuyết phục về những đợt “không kích nhầm” của NATO.

Cùng lúc, dư luận thế giới tỏ ra bất bình khi NATO liên tục sát hại nhầm dân thường, gồm cả những đứa trẻ mới biết đi, trong khi đây là mục tiêu mà đội quân này khẳng định phải bảo vệ. Chưa hết, ngay NATO và phe nổi dậy ở Li-bi cũng mâu thuẫn với nhau về thế bế tắc trên chính trường; bên cạnh sự giận giữ vì những vụ bắn nhằm vào binh sĩ phe nổi dậy của NATO và việc liên tục bị chỉ trích việc chậm cấp tiền phục vụ cho cuộc lật đổ Tổng thống M. Ca-đa-phi.

Trong lúc NATO không thể thắng “từ trên trời”, quân nổi dậy xem ra khó giành lợi thế trên mặt đất, sự vững vàng của Tổng thống M.Ca-đa-phi và đội quân ủng hộ trung thành đang khiến kế hoạch loại bỏ nhà lãnh đạo cao tuổi này bằng một cuộc đảo chính nội bộ đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện lựa chọn của NATO không còn nhiều. Một phương án mang lại khả năng thay đổi tình thế nhanh nhất được nhắc đến lâu nay đó là NATO tung bộ binh vào Li-bi. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bẻ ngoặt cuộc chiến theo một hướng khác với những hệ lụy khôn lường.

Có thể thấy, sự mập mờ về mục tiêu ngay từ những đợt không kích đầu tiên của NATO giờ đây đã đem lại hậu quả khi chính những chỉ huy cấp cao của chiến dịch thừa nhận nếu không có ý chí chính trị thì chiến dịch không kích Li-bi cũng chỉ có hiệu quả hạn chế, bởi có tới phân nửa thành viên không tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan đến chiến dịch không kích Li-bi, chưa kể nhiều quốc gia dù bỏ phiếu tán thành nhưng cũng chẳng đóng góp gì cho hành động này. Sự thừa nhận đó đồng nghĩa với những tuyên bố của nhiều quốc gia rằng “tương lai của Li-bi do người dân Li-bi quyết định”. Quả là ông Ca-đa-phi cũng chẳng mong muốn điều gì hơn thế khi con trai của ông, cũng từng tuyên bố “ông Ca-đa-phi sẽ ra đi nếu người dân Li-bi quyết định như vậy trong một cuộc tổng tuyển cử công khai”. Vì thế, việc “chủ động” của ông Ca-đa-phi rõ ràng đặt NATO và Mỹ vào thế khó. Bởi sự thành công hay thất bại của chiến dịch Li-bi không phụ thuộc vào vị trí xuất kích của các máy bay chiến đấu của Anh từ một tàu sân bay đỗ cách Tri-pô-li 20 phút hay từ một sân bay ở miền Nam I-ta-li-a nằm cách mục tiêu 1 giờ như hiện nay, mà nó phụ thuộc vào việc sức ép đối với thể chế của nhà lãnh đạo M. Ca-đa-phi.

Trong bối cảnh NATO không thể thắng “từ trên trời” với các cuộc không kích, thì quân nổi dậy khó giành lợi thế trên mặt đất, tất cả những phỏng đoán về kế hoạch triển khai tấn công trên bộ hay sự khốc liệt hơn của các đợt không kích sẽ không phải là lời giải cho cuộc chiến Li-bi. Thay vì nói đến những việc ra đi, lật đổ, truy tố tại La-hay hay tiêu diệt Ca-đa-phi chỉ càng khiến nhà lãnh đạo này quyết đấu đến cùng. Người ta cho rằng, hãy để người dân Li-bi có được một “sự yên tĩnh”, để suy xét về những gì mình sẽ quyết định trong tương lai chứ không phải là những quả bom hay tên lửa bất thần dội xuống mái nhà của họ.

Minh Phương