Giải pháp cho người có công mất hồ sơ

Trước những băn khoăn, trăn trở của người dân về tình trạng nhiều người đã tham gia kháng chiến, nhưng bị mất hồ sơ gốc nên đến nay vẫn không được hưởng chế độ, chính sách, Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP nhằm đảm bảo không để trường hợp người có công (NCC) mà không được hưởng chính sách.
Theo Bộ LĐTBXH, đến nay cả nước đã xác nhận hơn 8,8 triệu NCC, trong đó hơn 1,5 triệu người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, hầu hết những NCC với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp NCC bị mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên chưa được hưởng các chế độ, chính sách. Có nhiều trường hợp chiến đấu và bị thương từ thời chống Pháp nhưng đến giờ chưa được công nhận là thương binh vì mất giấy tờ gốc. Các đối tượng bị thất lạc hồ sơ đa phần là những người chuẩn bị được xuất ngũ, họ quá vui mừng khi với quê hương, gia đình nên không quan tâm nhiều đến giấy tờ, vì vậy mà hồ sơ gốc của họ bị thất lạc nhiều năm. Cũng có trường hợp do cơ quan quân sự địa phương không quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc, đến khi lập hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách thì không còn. Hiện theo thống kê, còn gần 8.000 trường hợp NCC bị mất giấy tờ.
Thông tư 28 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư này hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hi sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31-12-1991 trở về trước không còn giấy tờ.
Thông tư 28 có nhiều điểm mới, giúp NCC bị mất hồ sơ dễ dàng hơn trong việc xác nhận và tăng tính công khai, minh bạch trong việc xét duyệt, giải quyết chế độ cho NCC. Theo đó, cá nhân, tổ chức, cơ sở lập xác nhận ban đầu rất quan trọng đối với các đối tượng NCC. Trước tiên, địa phương của đối tượng đó phải lập danh sách và công khai danh sách đó để mọi người xác nhận, xác nhận từ nhiều nguồn. Đối với đối tượng từng là quân nhân, Hội đồng chính sách xã và Hội CCB phải có trách nhiệm xem xét, xác nhận xem người đó có đi bộ đội không, có tham gia kháng chiến không, vào thời điểm nào... sau đó, chuyển cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, quân khu. Tùy theo từng loại đối tượng, nếu là liệt sĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, nếu là thương binh sẽ được giám định thương tật để giải quyết theo chế độ. Quy trình hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 28 giúp người xác minh đối tượng chính xác, khách quan, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn gian lận đã từng xảy ra trong quá khứ.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với tinh thần không để một trường hợp NCC mà không được hưởng chính sách, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan chức năng hướng dẫn việc giải quyết các trường hợp tồn đọng đối với NCC không còn hồ sơ gốc, không có người làm chứng. Đồng thời cũng qua cuộc Tổng rà soát chính sách ưu đãi với NCC công xác định những đối tượng thực sự có công chưa được hưởng chế độ để các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, tránh thiệt thòi cho những người đã đóng góp cho độc lập tự do của đất nước.
Mai Anh