Giải khát mùa hè với rau má
Theo Y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sảy… Một số cách dùng rau má giải khát, chữa bệnh:
Nước ép rau má: Lá rau má mua về rửa sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào, vắt và lọc bỏ bã. Thêm vào một ít đường cho dễ uống. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30-40g rau má tươi.
Trà giải nhiệt: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: Các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30-40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
Hạ huyết áp: Rau má 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ nhàu 16g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, lá dâu 12g. Sắc uống thay trà hàng ngày.
Chữa rôm sảy, mẩn ngứa: Dùng 50g rau má rửa sạch giã vắt lấy nước, thêm ít đường hoặc một ít muối cho dễ uống.
Đái rắt, đái buốt do nóng: Rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.
Hạ sốt: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.
Chữa ho, viêm họng: Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hòa thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần 1/2 bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5-7 ngày.
Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.
Hải Tiến