(Khu phố 1, P5, thị xã Gò Công, Tiền Giang và một số CCB khác)

Trả lời: Để giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công đối với trường hợp được nêu trên đây, trước hết phải thực hiện thủ tục xét, công nhận anh trai của ông là người đã tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong câu hỏi ông không nêu cụ thể thời gian hoạt động của anh trai ông vào thời điểm nào. Do vậy, căn cứ vào Hướng dẫn số 30-HD/BTCT.Ư ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức T.Ư, chúng tôi xin hướng dẫn về điều kiện, căn cứ và quy trình xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần để ông có cơ sở tìm hiểu như sau:

I. Đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã hy sinh, từ trần

  1. Điều kiện xem xét:
  • Là người hoạt động trong một tổ chức quần chúng của Đảng và được giao công tác hoặc không ở trong tổ chức quần chúng nhưng đã thực sự hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945;

  • Người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19-8-1945, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/T.Ư ngày 24-12-1977 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa IV).

  1. Căn cứ công nhận:

a/ Đối với người hoạt động đã hy sinh, từ trần từ ngày 30-6-1999 trở về trước:

  • Căn cứ vào lý lịch cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý. Nếu lý lịch này bị thất lạc có lý do thì được sử dụng lý lịch khai trong cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/T.Ư ngày 1-3-1965 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa III).

  • Đối với người được kết nạp Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến 30-4-1975, thì căn cứ lý lịch đảng viên viết năm 1975, 1976 (khai theo Thông tư số 297/TT-T.Ư ngày 20-4-1974 của Ban Bí thư T.Ư).

Nếu người hoạt động cách mạng không có lý lịch (hoặc không còn lý lịch) thì căn cứ vào một trong các tài liệu có liên quan sau đây để xem xét:

  • Hồ sơ khen thưởng huân chương (Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập),

  • Hồ sơ của người hoạt động cách mạng được truy tặng danh hiệu liệt sĩ;

  • Người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và được xuất bản từ ngày 1-10-2007 trở về trước;

  • Người hoạt động cách mạng có hồ sơ đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của T.Ư và địa phương từ cấp huyện trở lên;

  • Người hoạt động cách mạng bị địch bắt, giam giữ tại các nhà tù của đế quốc vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, có hồ sơ, danh sách đang lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của T.Ư và địa phương từ cấp huyện trở lên.

b/ Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30-6-1999:

  • Căn cứ vào lý lịch của cán bộ, đảng viên được khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý. Nếu lý lịch này bị thất lạc có lý do xác đáng thì được sử dụng lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/T.Ư ngày 1-3-1965 của Ban Bí thư T.Ư;

  • Đối với người hoạt động được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975 thì căn cứ vào lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 để xem xét, công nhận.

II. Đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần

1/ Điều kiện:

a- Đối với người hoạt động cách mạng thoát ly:

Là người đã tham gia trong các tổ chức cách mạng, lực lượng vũ trang từ cấp huyện trở lên hoặc cấp hành chính tương đương trước ngày khởi nghĩa của địa phương.

b- Đối với người hoạt động cách mạng không thoát ly:

  • Là người đứng đầu tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã (hoặc tương đương như làng, tổng)... bao gồm các chức danh: Bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm Việt Minh xã, bí thư nông dân cứu quốc xã, bí thư thanh niên cứu quốc xã, bí thư phụ nữ cứu quốc xã;

  • Đội trưởng hoặc tổ trưởng, nhóm trưởng của đội, tổ, nhóm tự vệ chiến đấu, tuyên truyền giải phóng, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc (ở địa phương nơi chưa hình thành tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã).

  • Người được kết nạp vào tổ chức Việt Minh, sau đó được giao nhiệm vụ ở lại địa phương hoạt động phát triển cơ sở cách mạng, có ghi trong lý lịch gốc;

  • Trường hợp người thoát ly hoạt động cách mạng có lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên viết từ năm 1969 trở về trước có khai “Tham gia hoạt động Cách mạng tháng 8-1945” và ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa đến ngày 31-8-1945 có khai “Đứng đầu một tổ chức cách mạng” như nêu trên thì cũng thuộc diện được xem xét;

2/ Căn cứ công nhận:

a- Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ trước ngày 1-1-1995:

  • Căn cứ vào lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.
  • Nếu lý lịch của cán bộ, đảng viên bị thất lạc hoặc là người được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975 thì căn cứ lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976.

Trường hợp không có lý lịch hoặc không còn lý lịch thì căn cứ vào một trong các tài liệu liên quan đã nêu ở điểm a, mục 2, phần I trên đây để xem xét.

b- Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh từ trần từ ngày 1-1-1995 trở về sau:

  • Căn cứ vào lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

  • Nếu lý lịch của cán bộ, đảng viên do tổ chức để thất lạc, hoặc là người được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975 thì căn cứ lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 (theo Thông tư số 297/TT-T.Ư ngày 20-4-1974 của Ban Bí thư T.Ư) để xem xét, công nhận.

    Thế Hải