Giải bài toán kép : tăng trưởng và lạm phát

Các đại biểu và chuyên gia kinh tế dự hội thảo

Lạm phát không chỉ là yếu tố gây bất ổn kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp. Cần kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Lạm phát vẫn theo quy luật

“Đến hẹn lại lên”, các chuyên gia về giá cả, tài chính- tiền tệ lại tề tựu tại Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm, dự báo những tháng cuối năm do Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức.  

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các học giả cho rằng: Theo phân tích của các chuyên gia: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức phù hợp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực được tập trung đẩy mạnh để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Như thế, lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát trong giới hạn mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề từ 4.5% - 5,0%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025 còn tiểm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả. Nhưng các chuyên gia cho rằng: Áp lực tăng lạm phát những tháng cuối năm 2025 là khá lớn, song với những kinh nghiệm trong công tác quản lý giá những năm qua, mục tiêu về lạm phát năm 2025 (trong khoảng 4-4,5%) của Chính phủ có thể sẽ vẫn đạt được…

TS.Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chínhphân tích: Lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, nếu Nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát trung bình năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.

Phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế tài chính (Viện Kinh tế -  Tài chính) Phạm Minh Thụy dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức từ 3,3 - 3,9%.

Bài toán kép

Các chuyên gia rất sôi nổi khi bàn thảo luận về công tác điều hành, làm sao để đạt được tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở những năm tiếp theo mà vẫn kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định vĩ mô.

Nhìn lại diễn biến giá cả và công tác điều hành trong nửa đầu năm, các chuyên gia cho rằng dù nhiều sức ép đẩy giá tăng nhưng CPI vẫn được kiểm soát thành công nhờ phối hợp chính sáchchặt chẽ và linh hoạt.

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và không tạo cú sốc theo hướng đi trước một bước nhưng không thắt chặt quá mức.

Bộ Tài chính triển khai chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ phục hồi nhưng giữ vững kỷ luật ngân sách: Không điều chỉnh tăng thuế, phí quan trọng như thuế VAT, thuế xăng dầu hay phí bảo vệ môi trường, giúp ổn định mặt bằng giá hàng hóa thiết yếu.  Hỗ trợ giá điện, y tế cho nhóm đối tượng chính sách, hộ nghèo để hạn chế tác động vòng hai từ điều chỉnh giá dịch vụ công.

Chính sách thương mại được điều hành linh hoạt, giảm giá đầu, nguồn cung hàng hóa dồi dào.  

Các dự báo đều cho rằng trong những tháng tới các yếu tố tăng-giảm giá đan xen, lạm phát cả năm vẫn trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Nhưng đó là nếu được điều hành tốt và không có gì đột biến. “Kiểm soát lạm phát trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, những thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng rất lớn, PGS, TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính nhận định.

Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi. Cùng với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Thứ hai, ở trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới. Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan.

Thước đo hiệu quả kinh tế

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát vừa để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao, đồng thời đảm bảo tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều hành cần tính toán và thận trọng để tránh chạy theo tăng trưởng mà tăng lạm phát. Bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý phải ở mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Điều hành chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các hộ nghèo và các gia đình khó khăn.

Các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp, TS, Độ lưu ý.

“Lạm phát không chỉ là yếu tố gây bất ổn kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp. Việc giữ CPI ở mức hợp lý trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng GDP trở thành bài toán kép đầy thách thức”, PGS.TS.Ngô Trí Long nhấn mạnh. Nếu CPI vượt khỏi vùng kiểm soát, sức mua suy giảm, niềm tin tiêu dùng bị ảnh hưởng sẽ tác động ngược lại đến tăng trưởng GDP.

Hà Linh