Giấc mơ Thánh Gióng của phim Việt
Trước thềm trao giải Cánh diều vàng, Hãng phim Phương Nam ra mắt báo giới bộ phim về đề tài biển đảo “Gương trời”. Phim được Cục Điện ảnh đầu tư 400 triệu đồng , nhưng do không huy động được thêm nguồn vốn nào nữa, nên từ kịch bản phim truyện điện ảnh, “Gương trời” chuyển sang thể loại vi-đê-ô, dài 90 phút, quay vỏn vẹn trong 9 ngày. Không kêu gọi được ai làm đạo diễn, viết kịch bản phim, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát ở tuổi 65 đã “liều” kiêm luôn chức đạo diễn phim, cũng là để tiết kiệm tiền.
Vỏn vẹn chỉ 400 triệu đồng, được một số đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn hỗ trợ tàu thuyền đưa đoàn làm phim ra làng chài, vị đạo diễn kể phải chắt chiu từng tí một, kể cả nước sạch, vì chỉ ở nhờ, ngủ nhờ được người dân vạn chài chứ dùng nước phải trả tiền. Nghệ sĩ ưu tú Hương Dung vừa làm diễn viên vừa kiêm hướng dẫn diễn xuất cho một số diễn viên trẻ, mới, rồi lo đạo cụ trang phục, trang điểm… và nấu ăn cho cả đoàn trong ngần ấy ngày. Cát-xê cao nhất trả cho nhà quay phim Hoàng Dũng là 4 triệu đồng, còn các vai diễn khác chỉ gọi là trả cho có, kịch bản và đạo diễn phim thì chắc chắn không có gì.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, phim làm về đề tài biển đảo và mang cả nội dung nghề giáo, lẽ ra đã được chiếu dịp 20-11 năm ngoái và biết đâu có cơ hội thi giải Cánh diều năm nay, nhưng do kinh phí không có, mãi những ngày cuối năm 2013 mới làm xong phần hậu kỳ, rồi đến tháng 3 này có một “mạnh thường quân” hứa lo phát hành phim ra hệ thống rạp chiếu, bà Ngát mới thở phào. Vị “đạo diễn bất đắc dĩ” từng lo ngại, phim làm xong mà không được công chiếu, ít tiền thì đã đành, công sức của cả ê kíp làm phim 30 người, dãi nắng dầm mưa cả mùa hè ngoài biển làm phim không ra được rạp thì tâm huyết và công sức đổ xuống sông xuống biển.
Đề cập tới vấn đề kinh phí làm phim, nhiều nhà làm phim than rằng, ai đã trót dấn thân vào nghệ thuật thì chắc chắn muốn cống hiến cho nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ cũng phải sống, cũng phải tiêu tiền. Lâu nay dư luận kêu ca phim Việt Nam không còn đáy nào để “tụt” hơn, không có phim đạt chất lượng, thiếu nhân lực… Nhưng thực tế, đã lâu lắm rồi Việt Nam không có những nhà làm phim được Nhà nước gửi đi, hoặc cử đi đào tạo ở nước ngoài như một thời từng có; một bộ phim được đầu tư chừng 10 tỉ đồng, nghe tưởng cao, nhưng để trang trải cho một phim được gọi là nâng tầm chất lượng nghệ thuật, các nhà làm phim phải “liệu cơm gắp mắm”, nhờ vả ngành nọ, xin hỗ trợ địa phương kia nếu có trong bối cảnh phim. Thậm chí, số kinh phí công bố được đầu tư như thế, thực chất nhận về lại không được thế, “rơi rụng” đi mất 20-30%.
“Không thể có giấc mơ như Thánh Gióng chỉ khi nghe có giặc ngoại xâm, bà con góp gạo thổi cho ăn rồi bỗng lớn nhanh như thổi, cưỡi ngựa cầm quân đi đánh giặc. Làm phim phải có một ê kíp chuyên nghiệp, được đầu tư kinh phí ít nhất đủ để những người làm không phải lo “ăn đong”- tức đang làm phim này mà đầu óc đã tính toán lo đâu được kinh phí để làm dự án phim khác. Điều đó cũng đồng nghĩa, làm nghệ thuật không phải tháng nào, năm nào cũng “sòn sòn” ra sản phẩm. Muốn có phim hay, chất lượng tốt người làm ra nó phải có thời gian sáng tạo, trải nghiệm, tìm kiếm chứ không thể vừa làm phim vừa quẩn quanh với chuyện cơm, áo, gạo tiền”- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.
Thôi thì khi phim chưa được đầu tư xứng đáng, chưa thể làm những bộ phim chất lượng xứng tầm ảnh hưởng như các thế hệ làm phim trước đây đã gây dựng cho điện ảnh Việt, thì những người làm điện ảnh, cả những Việt kiều đang dần trở về làm những bộ phim dù có bị chê là “thảm họa”, “hài nhảm”… thì ít ra họ cũng đã nỗ lực để cống hiến cho điện ảnh, kéo khán giả không quay lưng với rạp chiếu, với phim Việt!
Nhật Khang