Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ cho biết cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch mang tên Bác mở đầu vào 27-4 từ 5 hướng, nay các mũi tiến công đã phát triển vào trung tâm thành phố. Bất giác tôi nhớ lại ngày 7-5-1954 toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Tất nhiên ở đây có nhiều điểm khác, nhưng cũng cái không khí phấn khởi, sôi nổi; cũng những giờ phút náo nức đón chờ tin vui chiến thắng từ phía Nam điện về; cũng những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch… Trong cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương sôi động, vừa đàng hoàng chủ động, vừa lo lắng chờ đợi, vừa vui sướng tự hào…
Hôm ấy anh Ba (tức Lê Duẩn), anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng đều đến đây sớm hơn thường lệ. Rồi các anh trong Bộ Chính trị đến tiếp, đông đủ. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp theo dõi tình hình chiến trường. Anh Cao Văn Khánh ngày hôm đó đúng ngày trực ban túc trực tại Phòng Tác chiến, chốc chốc lại sang “cắt ngang” để kịp thời báo cáo tình hình mới nhất. Vừa cho biết các cuộc tiến công của quân ta đang tiến rất nhanh vào trung tâm thành phố, một lúc sau lại vào báo tin mới: Đại sứ Mỹ Ma-tin đã chuồn lúc 4 giờ 15 phút… Như vậy, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trao đổi về những công việc cấp thiết. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi điện ngay vào chiến trường: “Ủy ban Quân quản công bố ngay trên đài phát thanh mệnh lệnh đầu tiên. Nội dung:
a. Quân giải phóng tiến vào để giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam.
b. Quân đội ngụy quyền Sài Gòn phải lập tức hạ vũ khí đầu hàng.
c. Tuyên bố giải tán chính quyền các cấp.
d. Kêu gọi đồng bào đứng dậy, cùng Quân giải phóng đập tan mọi sự chống cự của địch, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thân yêu”.
Vừa theo dõi qua tin tức kỹ thuật của Cục 2, tôi vừa liên lạc bằng vô tuyến điện thoại tiếp sức với Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, được biết các cánh quân của ta đang phát triển rất nhanh, còn địch đang trong tình trạng vô cùng khốn quẫn. Chúng tôi không chỉ liên lạc thường xuyên với mặt trận mà còn theo dõi tin tức qua nhiều đài phát thanh nước ngoài. Tôi nhớ vào khoảng 10 giờ, Trưởng phòng 70 là đồng chí Nguyễn Thanh vào báo cáo tin mới nhất vừa nhận được qua đài phát thanh Nhật Bản cho biết: Quân giải phóng có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào trung tâm Sài Gòn và đã đến gần Dinh Độc Lập. Mấy phút sau khi đài Nhật Bản tin, lại có thêm tin Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, thì mọi người cùng nói “Còn gì mà thương lượng? Chỉ có đầu hàng vô điều kiện thôi”.
… Lực lượng của ta đang tiến công mạnh từ khắp các hướng và để lệnh cho quân ta buộc kẻ thù phải đầu hàng hoàn toàn, đồng thời tránh tới mức tối đa những tổn thất, thiệt hại cho thành phố, tôi đã viết ngay một bức điện, lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. Nội dung bức điện được đọc lên, tất cả đều nhất trí. Cũng lúc đó, từ Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng điện cho các cánh quân, không vì có tin ấy-tin Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng mà dừng tiến công…
10 giờ 50 phút thì tin của Cục 2 báo cáo: Quân ta đã vào tới Dinh Tổng thống ngụy. Ngay sau đó thì nhiều đài phương Tây cũng đưa tin này. 11 giờ thì nhận được điện của Bộ chỉ huy địa phương báo cáo: Quân ta đã tới được mục tiêu cuối cùng… Đúng 11 giờ 30 phút thì đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục Cơ yếu mang vào phòng họp bức điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo chính thức: Một đơn vị thuộc cánh quân phía Đông-cánh quân “Duyên hải” đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập… Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thắng lợi.
Trong không khí tràn ngập hân hoan ấy, hội nghị sôi nổi trao đổi ngay về những biện pháp cuối cùng. Tôi điện vào chiến trường thông báo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Điện được chuyển đi lúc 12 giờ 25 phút: “Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân. Đã nhận tin ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập… Các anh trong Bộ Chính trị rất vui. Rất vui”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể tiếp: Lúc đó mọi người đều rất phấn khởi, nghẹn ngào xúc động đến trào nước mắt. Giấc mơ của nhiều thế hệ mà Bác Hồ hằng mong, đã thành sự thật. Ai nấy trước tiên đều nhớ đến Bác Hồ kính yêu và tới tất cả những người đã ngã xuống…
Chiều hôm ấy thì Bộ Chính trị tiếp tục họp. Trước khi họp đã nghe qua băng tiếng nói tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh, lời đại biểu Quân giải phóng chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh, rồi thảo luận về những công việc tiếp theo và nêu những vấn đề sẽ bàn trong cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 3-5 tới… Cuối buổi họp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhất trí gửi ra phía trước một bức điện: “… Bộ Chính trị nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng, cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc…”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngừng lời giây lát, rất xúc động nói thêm: Khi mặt trời đã khuất bóng sau rặng xà cừ trên đường Hoàng Diệu, cả thành phố Hà Nội đổ ra đường đang sôi động rạo rực đã lên đèn. Tôi còn ngồi lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui khôn tả, mà nước mắt cứ trào ra: “Giá như còn Bác Hồ…”.
Tô Kiều (theo Lê Huân kể)