Giấc mơ cồng chiêng
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô với những chiếc cồng, chiêng sưu tầm được.
Tuổi thơ của ông lớn lên cùng với những giai điệu tình yêu ngân rung trong âm hồn chiêng rạo rực. Giấc mơ vườn âm thanh cồng chiêng bắt đầu từ chiếc chiêng cổ đầu tiên mà ông được trả công làm thợ suốt hai tháng. Đó cũng chính là chiếc chiêng cổ nhất trong bộ sưu tập của ông cho đến nay, với 400 năm tuổi.
Ông kể, vào năm 1993 khi nghe tin ở huyện Đà Bắc, một gia đình có bộ chiêng quý gồm 8 chiếc. Ông háo hức đạp xe đi tới 60 cây số, vòng đi vòng lại để tìm gia chủ. Đây là bộ chiêng cổ càng để càng được nhiều tiền. Ông trả bao nhiêu cũng không bán. Số tiền mà ông ki cóp chẳng thấm vào đâu so với giá của bộ chiêng cổ vào thời điểm đó. Nhưng không hiểu sao, từ khi nhìn thấy bộ chiêng đó, ông như mất hồn. Ông bị ám ảnh, trong đầu luôn luôn có ý nghĩ mình phải có bộ chiêng quý đó. Thế là ông lại đạp xe lên và nài nỉ gia chủ. Thấy ông tha thiết quá, gia chủ bèn hét giá cao lên theo giá thị trường thực sự, làm ông ngỡ ngàng.
Nhưng quyết mua, nên ông trở về vay mượn khắp nơi mà vẫn không đủ. Đêm lại đêm mất ngủ. Ông mơ mộng cho dù chẳng thể tìm đâu cho đủ tiền. Không ngờ đến sáng, ông có quyết định táo bạo làm sửng sốt cả nhà, khi bán cả đàn bò đang lớn. Cộng thêm tiền vay mượn nữa là đủ để mua bộ chiêng đó. Thế là đàn bò 8 con đó thay cho 8 chiếc chiêng mà ông mang về trong tiếng kêu than của vợ con. Nhưng rồi mọi chuyện an bài chỉ vì giàn chiêng ấy đã an ủi mọi người. Những âm thanh của chúng như được bay bổng và theo chân bà con Mường lên nương lên rẫy và hát những bài ca đi săn thú cùng với những chàng trai dũng cảm vượt núi cao.
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô ngừng kể chuyện chậm chạp bước đến dàn chiêng cổ. Ông cầm lên một chiếc chiêng màu lông chuột, rồi lim dim mắt xoa tay lên vú chiêng - ông đang cầu hồn chiêng trở về. Bàn tay chai sạn của ông chỉ mới xoa lên vú chiêng đã làm âm thanh sống dậy. Thì ra đó là sự bí ẩn của những chiếc chiêng cổ. Chỉ xoa lòng bàn tay, hồn chiêng trở về, tiếng vọng rừng núi đã hoan ca. Ông càng xoa, âm thanh của niềm vui càng rền vang. Rồi ông lấy dùi gỗ gõ lên chiêng làm xôn xao cả một cung đường bên ngôi nhà sàn. Ở cái phố chợ Bãi Chạo này chỉ có gia đình ông làm ngôi nhà sàn Mường còn sót lại.
Chính tay ông xúc từng xe đất để làm nền cho ngôi nhà sàn. Ước mơ của ông về ngôi nhà sàn lưu giữ bộ chiêng cổ mà cả đời mình đi tìm kiếm.
Duy Anh