Giá trị dinh dưỡng của rau rừng

Rau sắng.
Lượng protein trong các loại rau rừng ăn được cũng rất đáng kể, ở một số rau rừng có lượng protein khá cao: lá dâu 8,7%; lá sắn 7%; lá diễn 5,9%; rau rệu 4,5%; rau dớn 3,6%; dền gai 3,6%; rau má 3,9% tương đương hoặc cao hơn lượng protein trong rau muống. Nếu mỗi ngày ăn khoảng 300g rau rừng sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 70 - 80 calo và trên 10g protein, đồng thời có thêm được một lượng vitamin C cho cơ thể.

Về khẩu vị, ngoài những loại rau ăn ngon quen thuộc như rau má, rau tàu bay, rau sam, rau rệu, rau dớn, dền cơm, môn thục..., có loại ăn rất ngon như rau sắng Chùa Hương. Còn có loại rau sắng rừng ở vùng núi miền Bắc và miền Nam được bộ đội ta đặt tên là “rau mì chính”, nấu canh ăn rất ngon.

Các loại rau chua, quả chua như chua khan, chua me đất, bứa dọc, dâu da đất... dùng nấu canh chua được nhiều người ưa thích. Các loại cây củ cung cấp nhiều chất bột, nấu ăn trực tiếp hoặc chế biến thành tinh bột như cây búng báng, củ mài có giá trị không kém tinh bột sắn.

Nhiều loại rau rừng còn có tác dụng chữa bệnh hoặc những vị thuốc được nhân dân ưa dùng như: rau sam, rau rệu, rau dền cơm... và những loại rau ăn trong mùa hè có tác dụng giải nhiệt như rau má, chua me đất, lá giang... Sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh có ghi nhiều loại cây rau rừng có tác dụng giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu...

Như vậy, rau rừng Việt Nam rất phong phú về chủng loại, giàu về dinh dưỡng, có tác dụng phục vụ đời sống bộ đội và nhân dân ta không những trong chiến tranh mà ngay cả trong hòa bình.

Nguyễn Đông Thức