Gia Lai nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở
- Bệnh viện 15 (Binh đoàn 15) - một điểm sáng của tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai.*
Chị Rơ Châm Phyul, ở làng Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đến Trạm xá xã Ia Mơ Nông khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng. Chị được kê đơn thuốc và hướng dẫn cách ăn uống, sinh hoạt khoa học. Chị Rơ Châm Phyul cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất ít đến Trạm xá khám, chữa bệnh. Bây giờ thì khác, tôi thấy ở trạm xá cũng có đội ngũ y bác sĩ giỏi, tận tình, thuốc cũng tốt nên rất nhanh khỏi bệnh”.
Bác sĩ Siu Thúp - Trạm trưởng Trạm xá xã Ia Mơ Nông cho biết: “Địa bàn xã có đến 80% là người DTTS, trình độ dân trí thấp, trước đây bà con rất ít đến Trạm xá để khám bệnh, một mặt do những tập tục lạc hậu, mặt khác do khả năng khám, chữa bệnh của trạm y tế còn hạn chế. Nay xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, Trạm xá được đầu tư cả về nhân lực và trang thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”. Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Ia Grai khám bệnh cho người dân.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Gia Lai được tổ chức chặt chẽ từ thôn, làng, tổ dân phố đến huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trạm xá; ở cấp huyện, thị xã, thành phố có trung tâm y tế, phòng khám đa khoa với quy mô từ 80 đến 150 giường bệnh. Nhân viên y tế, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình hoạt động ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. Ngoài ra còn có các trạm xá quân, dân y của đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Toàn tỉnh đã có 73% xã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 100% các trung tâm y tế và trạm xá xã đủ diều kiện để khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Mặc dù chất lượng của tuyến y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, nhưng tâm lý của người dân vẫn muốn vượt tuyến để khám, chữa bệnh khá phổ biến. Bà Nguyễn Thị Vinh ở phường Chi Lăng (T.P Pleiku) đăng ký khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện T.P Pleiku nhưng rất ít khi bà đến đó khám, chữa bệnh. Bà thường vượt tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, vì theo bà Vinh thì bệnh viện tuyến trên có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng thuốc và trình độ của y bác sĩ tốt hơn. Bà chấp nhận phải chi trả thêm tiền cho việc vượt tuyến của mình.
Trao đổi với ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở y tế tỉnh Gia Lai, chúng tôi được biết, tỉnh Gia Lai đang đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% trạm xá xã, phòng khám đa khoa khu vực có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhiều biện pháp đang được cấp ủy, chính quyền và Ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện như: Củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở; tuyên truyền đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế cơ sở và thay đổi tâm lý của người dân...
Sơn Tùng