Tất nhiên, 9 địa phương nói trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Qua báo chí, ngày nối ngày, chúng ta lại phát hiện thêm nhiều hiện tượng “cả họ làm quan” như thế. Như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa bị miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương thì thấy, gia đình bà “thao túng” một doanh nghiệp Điện Quang trước là doanh nghiệp nhà nước, từ đó đã lộ ra những vấn đề về quản lý tài sản công trước khi cổ phần hóa.
Hiện tượng “cả họ làm quan” hay “gia đình trị” ở một số địa phương, cơ quan đã được Trung ương nhận thấy từ lâu. Tài liệu của Ban Tuyên giáo T.Ư về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007 đã nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện... lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể cộng đồng”. Hay Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) chỉ ra: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà không đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bố trí sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.
“Gia đình trị” là biểu hiện cụ thể của hiện tượng tham nhũng quyền lực, một loại tham nhũng khó trị nhất ở Việt Nam hiện nay. Bởi những người tham nhũng quyền lực là những người có chức, có quyền, thậm chí chức quyền rất lớn; sự thu vén quyền lực cho người thân được họ tiến hành thận trọng, “đúng quy trình”, “đủ tiêu chí”, thông qua danh nghĩa tập thể, nên dẫu có phát hiện được thì vẫn khó xử lý.
Khó xử nhưng phải xử, kiên trì nhưng kiên quyết, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò đã nhóm lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”; nếu việc chống tham nhũng quyền lực dựa chắc vào dân, trở thành phong trào của toàn dân thì không ai có thể dửng dưng, không vị “quan” nào dám thách thức dư luận nữa. Và như vậy, những vụ “cậu ấm”, ‘cô chiêu” thăng tiến thần tốc sẽ khó mà tồn tại.
NGUYỄN HỒNG