MUÔN KIỂU MẠO DANH
Anh Nguyễn Đức T, giám đốc một công ty tại Nghệ An nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ, công tác tại Bộ Công an. Người này cho biết: “Bộ Công an đang phối hợp với Công an phòng cháy tỉnh Nghệ An, mở lớp tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các công ty, đơn vị sản xuất trên điạ bàn tỉnh. Đề nghị anh đăng ký tham gia. Địa điểm là Trụ sở Công an thành phố Vinh”.
Nhận thấy việc tập huấn về phòng cháy, chữa cháy là cần thiết, anh T vui vẻ cung cấp thông tin của công ty và đăng ký tham gia.
Ngày hôm sau, người này gọi điện đến đề nghị anh T mua tài liệu phục vụ việc tập huấn, với giá 560 nghìn đồng. Việc chuyển phát tài liệu và thanh toán tiền thông qua nhân viên bưu điện. Mấy ngày sau, anh T nhận được một xấp tài liệu photocopy hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy. Kèm theo là lịch và địa điểm tập huấn.
Theo lịch, anh T đến Hội trường Công an Tp Vinh, mới biết bị lừa.
Tương tự, Anh Nguyễn Quang H giám đốc một Công ty Cp xây Dựng tại Tp Vinh, Nghệ An cũng nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng tên Hiền, PV Báo Quân đội nhân dân. Sau khi giới thiệu, người này nói: “Qua tìm hiểu về Công ty của anh, chúng tôi biết có một số sai phạm. Nếu muốn những vấn đề này được bỏ qua, công ty phải mua một số sách viết về lãnh tụ do NXB QĐND chúng tôi phát hành…” 10 cuốn, giá 3,5 triệu đồng.

Trong vai là đại diện cho Công ty của anh H, chúng tôi gọi cho “PV Hiền” qua số điện thoại 0987670… và đề nghị thanh toán trực tiếp, thì “cô PV” nói: “Sách sẽ được gửi đến công ty của anh bằng đường bưu điện. Khi nhận được sách, anh thanh toán tiền cho nhân viên chuyển phát luôn”.
Mấy ngày sau, một gói bưu phẩm được gửi đến qua đường bưu điện. Phần người gửi được ghi: “NXB QĐND”, nhưng dấu bưu cục nơi gửi lại là “Bưu cục huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa”.
Lấy lý do không có hóa đơn VAT khi mua hàng, chúng tôi từ chối nhận sách. Qua điện thoại, “Cô PV” bán sách nói: “Ngày mai sẽ chuyển hóa đơn vào”.
Không chỉ doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất bị mạo danh và ép mua sách, mà kể cả UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Nghệ An cũng nhận được yêu cầu mua sách như vậy.

ĐẦU MỐI TỪ THANH HÓA
Mấy ngày sau, chúng tôi nhận được hóa đơn bán hàng gửi, cũng được gửi đi từ bưu cục huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hóa đơn do Cục thuế Hà Nội phát hành, có số 0026560. Đơn vị bán hàng được ghi trên hóa đơn là một cá nhân, có địa chỉ trú tại : Xóm Giữa, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
Chúng tôi không thanh toán, ngay lập tức, “phóng viên” Hiền gọi điện hăm dọa: “Nếu không mua sách, thanh toán tiền thì sẽ cho đăng báo về công ty chúng tôi và cho cơ quan công an vào cuộc”.

Bưu phẩm sách ghi là “nhà xuất bản Quân Đội”.

Chưa hết, suốt mấy ngày hôm sau nữa, chúng tôi liên tục nhận được những dòng tin nhắn từ số máy của cô ta với nội dung: “Trong thời gian sớm nhất, anh sẽ nhận được các bài báo viết về những sai phạm của công ty đăng trên báo…”.
Tại Bưu điện tỉnh Nghệ An, chúng tôi được bà Hồng, phó phòng khai thác hàng hóa cho biết: “Việc bán sách, tài liệu qua bưu điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra đã khá lâu, nhất là kể từ khi Bưu chính Việt Nam triển khai dịch vụ chuyển phát và thu hộ tiền (DOD). Hầu hết các bưu kiện này đều được gửi từ Thanh Hóa. Khi khách hàng từ chối nhận, không phát được thì những người bán sách này gọi điện dọa dẫm chúng tôi bằng các lời lẽ rất hỗn xược, vô văn hóa”.
Xác minh tại Cơ quan thuế thì được biết, hóa đơn này do Cục thuế Hà Nội cấp cho hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1989, có địa chỉ xóm Giữa, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Điều đáng nói là chứng minh nhân dân của ông Nguyễn Văn Quang do Công an tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 26-3-2015.
Chúng tôi đến Bưu cục huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hỏi người đã gửi bưu kiện mang tên “NXB QĐND”. Nhân viên bưu điện cho biết: “Bưu phẩm gửi ngày 16-8-2017 với dịch vụ chuyển phát có thu hộ tiền (DOD)”. Còn tên tuổi của người gửi thì Bưu điện không biết.
Chúng tôi thắc mắc làm thế nào người gửi bưu kiện có thể nhận được tiền, nếu số sách được bán thành công, thì được biết: “Khi đến gửi hàng hóa, người gửi sẽ được nhận một giấy biên nhận. Nếu bưu điện thu được tiền, thì họ quay lại xuất trình giấy biên nhận lúc gửi sẽ được nhận tiền”. Hóa ra việc gửi hàng qua Bưu điện đơn giản đến mức không cần biết thông tin của người gưi…
Chúng tôi xin được sao chụp danh sách đã gửi sách của người mạo danh NXB QĐND, nhưng rất tiếc, ông giám đốc Bưu cục huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa không cho.
Ngày 14-9-2017, chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Sau một hồi rà soát danh sách tạm trú và cử Công an viên xuống kiểm tra thực tế địa bàn, ông Nguyễn Duy Nhật, Trưởng Công an xã khẳng định: “Không có ai tên là Nguyễn Văn Quang, quê quán Thanh Hóa tạm trú trên địa bàn xóm Giữa, xã Thanh Liệt”.
Tiếp tục lần tìm qua các đầu mối, chúng tôi kết nối được với ông Nguyễn Chí Hiếu, cán bộ thuế huyện Thanh Trì, phụ trách thuế địa bàn xã Thanh Liệt và trực tiếp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Quang. Từ đây, chúng tôi được biết: “Năm 2015, Nguyễn Văn Quang (SN 1989), quê Thanh Hóa có nhập khẩu vào một gia đình có hộ khẩu thường trú ở xóm Giữa, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Ngày 26-3-2015 UBND huyện Thanh Trì đã cấp giấy CNĐK kinh doanh hộ cá thể số 01 L8008462 cho ông Nguyễn Văn Quang, với ngành nghề kinh doan là bán sách, báo, văn phòng phẩm. Thế nhưng hiện ông Quang đã chuyển đi nơi khác, không còn ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh trì nữa”.
Trong vai tìm nguồn sách để đi bán, và nhờ cán bộ thuế Nguyễn Chí Hiếu giới thiệu, chúng tôi đã kết nối được với Nguyễn Văn Quang. Qua điện thoại, ông Quang cho biết “Hiện đang ở Thanh Hóa”. Ông Quang gửi cho chúng tôi hình ảnh một số mẫu sách ông đang có. Trong đó có một số cuốn đúng với sách mà các cá nhân, đơn vị tại Nghệ An đã phải mua. Tất cả các loại sách này đều có giá đồng hạng là 350 nghìn đồng. Sau một hồi thương lượng qua điện thoại, ông Quang mới chốt giá: “Nếu bán được, anh sẽ hưởng 70% giá tiền in trên sách”.

Hóa đơn VAT bán sách.
Lấy lý do chưa gặp mặt và không biết địa chỉ, nên khó có thể tin tưởng được việc chuyển lại tiền chiết khấu bán sách, ông Quang quả quyết: “Anh Hiếu thuế (cán bộ thuế- PV) đã giới thiệu thì anh yên tâm, em với anh Hiếu làm ăn với nhau lâu rồi mà…”.
Như vậy, giá trị thực của những cuốn sách này dù in giá bán ở bìa là 350 nghìn đồng, nhưng thực tế chỉ có 105 nghìn đồng. Nếu bán được 1 cuốn sách, sẽ lãi 70% tức là 245 nghìn đồng. Trong khi đó, hầu hết những người bán sách này đều ép các cơ quan, doanh nghiệp phải mua từ 5 cuốn trở lên.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Công ty Cổ phần Sách Thái Hà cho biết: “Thường sách giả in chất lượng kém, nhòe, vỡ chữ và không có tem chống giả của công ty sách…”.
Rõ ràng hành vi mạo danh, ép buộc, đe dọa để bán sách và tài liệu giá cao là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Bài ảnh: THẾ SƠN