Gặp nhau sau Mậu Thân năm 1968 (15/03/2013)

Trở về đơn vị, do vết thương chưa lành, cộng thêm bệnh sốt rét rừng, ông buộc phải nằm lại bệnh xá của Đoàn 125 tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tại đây ông gặp bà Hà Thị Sáu, khi đó là cô sinh viên đại học Dược Hà Nội, đang đi thực tập. Hồ Thị Sáu kém Hai Thơm 4 tuổi, quê gốc ở Triệu Phong, Quảng Trị, xa gia đình từ nhỏ, lớn lên và học tập tại Hà Nội.

Kết thúc thực tập, cô trở lại Hà Nội hoàn thành khóa tốt nghiệp, đâu biết rằng có anh thương binh đang thầm thương trộm nhớ mình. Hôm bạn thân của Hồ Thị Sáu lên Hà Nội thăm cô, mặc dù bệnh chưa khỏi hẳn, nhưng Hai Thơm vẫn năn nỉ xin đi cùng. Ông tơ bà nguyệt xe duyên từ độ ấy. Gần ba năm quen nhau, những lần hò hẹn của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hai Thơm đi biền biệt, những chuyến đi không hẹn ngày về. Và cuối năm 1970, trên bến Hoa Động, Hải Phòng, một đám cưới đơn sơ, ấm cúng diễn ra. Bên ấm trà, viên kẹo, mọi người cùng cô dâu, chú rể hát vang những bài ca kháng chiến.

Sau tuần trăng mật ngọt ngào, thuyền trưởng Hai Thơm đưa Tàu 121 lên đường thực hiện chuyến trinh sát Trường Sa lần hai, Hồ Thị Sáu trở lại Hà Nội nhận công tác. Do sức khỏe yếu, nên cô được phân công về Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương III, Hải Phòng. Từ đây, người thiếu phụ trẻ cùng sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong cơ thể, ngày ngày trên bến đợi tin chồng. Ngày vợ lâm bồn, người thuyền trưởng vẫn lênh đênh ngoài biển xa. Trở về, ông chỉ kịp nhìn mặt đứa con vừa chào đời rồi lại bịn rịn ra đi, tiếp tục nhiệm vụ mới.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Hai Thơm nhận lệnh đưa tàu vào chiến trường Quảng Trị, hỗ trợ quân ta trong trận đánh ác liệt bảo vệ Thành cổ. 81 ngày đêm chia lửa với Quảng Trị cũng là 81 ngày đêm lòng dạ ông rối bời khi hay tin Mỹ cho máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Hoàn thành nhiệm vụ, ông tức tốc trở về. Linh tính của ông đã đúng. Hải Phòng tan hoang, đổ nát. Căn nhà đơn vị cấp cho gia đình bị bom đánh sập. Mọi người cho biết vợ con ông bị thương và đã sơ tán lên Hải Dương. Ông nhớ lại: “Tôi mượn chiếc xe đạp của người quen, đạp liền một mạch 50 cây số từ Hải Phòng lên đến Hải Dương, vừa đi vừa hỏi thăm, cuối cùng cũng tìm ra gia đình mẹ con cô ấy trú tạm, đến nơi thì đã 12 giờ đêm. Khổ nỗi, thấy người lạ, chủ nhà nhất quyết không cho vào, mặc tôi năn nỉ. Tôi đứng ngoài cổng, thấy vợ con mình đang ngủ trong nhà mà ứa nước mắt. Mãi đến 5 giờ sáng, họ mới cho vào. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Lúc đó tôi thương vợ con vô cùng. Trời sáng hẳn, tôi ôm hôn vợ và con rồi lại tức tốc về đơn vị nhận lệnh…”.

Sau giải phóng, ông Thơm đưa gia đình vào Sài Gòn. Bà chuyển công tác sang Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 21. Tưởng chừng từ đây vợ chồng đoàn tụ, nhưng cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Cam-pu-chia lại đưa ông ra khơi. Chiến dịch phản công biên giới Tây Nam của quân ta ngày càng khốc liệt. Một ngày, ở quê nhà, bà rụng rời khi nhận hung tin chồng mình hi sinh trong trận chiến tại quân cảng Ream Cam-pu-chia. Bà ôm con, nhìn ảnh chồng mà khóc ròng. Người thuyền trưởng quả cảm ấy không chết mà chỉ bị thương. Ngày ông trở về, vợ chồng ngập tràn trong hạnh phúc đoàn viên…

QUỲNH NGA