Gặp lại… hai mươi năm! (16/09/2010)
Sự ân cần của cô làm anh ái ngại, hay vì lý do nào khác mà anh Vân bỗng trầm đi, lúc nhìn trân trân vào cô gái, lúc lại nhìn xa xăm, thẫn thờ, ngẫm ngợi. Đúng vậy, cô giao liên đang làm thức dậy thời trai trẻ của anh...
Thời đó, anh là chiến sĩ của Trung đoàn 803, được phái lên Nam Tây Nguyên làm công tác dân vận, phục vụ cho trận đánh AINU. Hôm ấy, trời vừa sáng, anh cho người vào tìm già làng trong buôn, nhưng không được vì là ngày chủ nhật, bọn Tây trong đồn ra buôn chơi, nên anh và người liên lạc phải lánh vào căn nhà nhỏ bên rẫy chờ đợi. Nhà trống vắng, đồ đạc sơ sài, chỉ có một cái khèn nhỏ làm bằng ống trúc treo giữa nhà và một số đồ dùng sinh hoạt của phụ nữ. Mãi xế chiều mới thấy cha con ông chủ rẫy về. Sau khi quen biết, ông Ma Ha Đăm (chủ rẫy) và người con gái ông là Hờ Pá, đã trở thành nhân mối. Mỗi lần anh đến là Hờ Pá lo gạo nấu cơm, ra suối hái rau, bắt ốc làm thức ăn, báo cáo tình hình địch cho anh hay và cô nhanh chóng trở thành cốt cán của phong trào.
Một hôm, trở lại nhà cô, anh nói với Hờ Pá là anh xin cái khèn, và như vậy anh đã vi phạm phong tục dân tộc là đã xin cái khèn của người con gái chưa chồng. Song tin ấy lại được cha con cô và dân bản rất mừng rỡ. Thế rồi anh và Hờ Pá trở thành đôi bạn đời. Trong trận Ma-bép đường số 7, anh là trung đội trưởng, bị thương nặng, phải đi viện, sau đó là Hiệp định đình chiến 1954 và anh tập kết ra Bắc. Cũng đinh ninh là hai năm lại về với Hờ Pá, với già Ma Ha Đăm, nhưng rồi ngót hai mươi năm, xin mãi giờ anh mới được trở về nơi ấy, vì thế mà suốt chuyến đi, anh không khỏi hồi hộp, nhất là từ chặng có cô giao liên người dân tộc dẫn đường. Cô gái có cử chỉ và khuôn mặt giống Hờ Pá biết bao… Để rồi, không nén được nữa, đến một đoạn nghỉ ăn cơm, anh đánh bạo hỏi:
-
Cháu tên chi?
-
Dạ, cháu là Hờ Trúc
-
Quê cháu ở đâu?
-
Cháu ở buôn Ka Cheo Reo.
-
Sao? - Anh Vân thảng thốt, giáp mặt cô gái hơn, thấy trên cổ cô có một sợi dây màu hồng và dưới sợi dây có đeo một ống trúc nhỏ, anh càng nghèn nghẹn trong cổ, song cố kìm lại, hỏi tiếp:
-
Cháu ơi, ở buôn Ka, cháu có biết ai là Hờ Pá không?
-
Chú biết Hơ Pá ạ? Hờ Pá là mẹ cháu đấy!
Anh Vân bàng hoàng! Trời, anh đâu biết mình có con! Rồi từ câu chuyện, họ nhận ra nhau. Sau một hồi nức nở như trẻ thơ, cô gái trấn tĩnh, líu ríu kể:
- Mẹ mất 5 năm rồi. Khi còn sống, mẹ nói ba chưa hẳn đã biết có con và kể hoài về ba. Mẹ dặn, khi nào gặp được ba thì nhớ đưa cái dây này cho ba xem..
Vừa nói, cô gái vừa gỡ sợi dây treo ở cổ ra trao cho anh Vân. Anh run run đỡ lấy sợi dây, nâng ống trúc nhỏ trên tay. Đúng rồi! Hình con chim ở nhà mồ mà người dân tộc ưa vẽ, anh đã dùng dao găm khắc lên ống trúc này. Anh chưa vội mở nắp ống trúc ra vì anh biết có cái gì trong đó… Anh quay sang nói với anh em trong đoàn:
- Các đồng chí ạ, đây là kỷ vật mà tôi để lại cho vợ tôi - một cô gái Tây Nguyên tên là Hờ Pá, cách đây ngót 20 năm, trước khi tôi tập kết ra Bắc. Trong ống trúc này có tờ bạc tín phiếu 5 đồng, in rõ ảnh Bác Hồ. Khi đó chúng tôi không có ảnh Bác nên lấy tờ tín phiếu làm vật tặng..
Nói rồi anh trân trọng mở nắp ống trúc, lấy ra tờ tín phiếu đã bạc mầu với thời gian. Anh chợt sững sờ:
-
Sao… Sao tờ tín phiếu lại có vết máu?
-
Dạ, đó là máu của mẹ con. Hôm đó, bọn Mỹ vào buôn rất sớm. Mọi người hốt hoảng chạy ra rừng. Mẹ con quên chưa mang theo ống trúc này nên chạy lộn lại nhà. Vừa lấy được ống trúc thì giặc Mỹ ập tới, bắn chết mẹ. Khi chúng rút hết, già làng và con đì tìm được mẹ thì mẹ đã chết, trên tay vẫn còn ôm chặt ống trúc và tờ tín phiếu trước ngực...
Nghe Hờ Trúc kể tới đó, anh Vân nấc lên hù hụ, rồi lại ôm lấy Hờ Trúc. Giây lâu sau anh mới nghẹn ngào hỏi:
- Còn ông ngoại con?
Cô gái đáp trong nước mắt:
- Thương nhớ mẹ con quá, lại thêm tuổi già sức yếu, nên chưa đầy một năm sau, ông cũng qua đời… Ba ạ, bà con buôn làng bảo con hãy đi giao liên, ở trên đường dây đó thế nào cũng có ngày gặp ba. Vậy là con đã gặp…
Vân Hương
(Theo chuyện kể của Đại tá Võ Văn Minh)