Gập ghềnh con đường độc lập của Pa-le-xtin (15/09/2011)

Có thể nói, Pa-le-tin quyết hành động, bởi bước đi này chắc chắn sẽ có tác động lớn về chính trị và tâm lý. Nó hướng tới việc nâng cao vị thế của Pa-le-xtin trên vũ đài chính trị quốc tế, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho người Pa-le-xtin trong cuộc đấu tranh cứu vãn giải pháp “hai nhà nước” vốn bị bế tắc lâu nay. Động thái này không tránh được căng thẳng trong quan hệ ngoại giao ở khu vực, nhưng nó sẽ thu hút sự chú ý trở lại của dư luận quốc tế vào tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng Trung Đông và Bắc Phi lâu nay. Hành động của Pa-le-xtin cũng sẽ nhắc nhở trách nhiệm của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với nền hòa bình ở khu vực Trung Cận Đông - nơi mà chính Oa-sinh-tơn đang tìm cách lấy lại hình ảnh và chỗ đứng trong thế giới Ả-rập.

Thực tế cho thấy, các cuộc đàm phán đã không ít lần bị đình trệ do I-xra-en tiếp tục xây dựng các khu định cư Do thái trên các phần đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin, kể từ sau Hội nghị hòa bình Ma-đrít năm 1991. Mặc dầu hai bên đã ký thỏa thuận, nhưng I-xa-en tiếp tục chiếm đóng một số khu vực lãnh thổ của Pa-le-xtin, kiểm soát việc di chuyển người và hàng hóa. Đây là hành động đơn phương kéo dài trong suốt 44 năm qua và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Con đường độc lập của Pa-le-xtin là rất khó khăn, gập ghềnh, bởi trong bối cảnh bị I-xra-en và Mỹ phản đối kịch liệt và có những động thái ngăn cản mục tiêu này của Pa-le-xtin thành hiện thực, cho dù trong thành phần chính phủ nước này có những người trước đó ủng hộ tiến trình hoà bình Trung Đông. Năm 1998, Ê-hút Ba-rắc nắm quyền dưới sự hỗ trợ của Công đảng cầm quyền, ông đã thực hiện kế hoạch theo đuổi hòa bình. Thế nhưng, hiện nay, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông lại trở thành cánh tay phải của chính quyền hiện nay. Chính phủ này đã từ chối ngay cả những vấn đề cơ bản của cuộc đàm phán. Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ny-a-hu trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ tháng 5 vừa qua tuyên bố: “Không có thỏa hiệp về Giê-ru-xa-lem, không có thỏa thuận về người tị nạn và không tồn tại biên giới năm 1967”. Hơn nữa, chính phủ hiện tại ở I-xra-en đã từng làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình. Ngay sau khi Nê-ta-ny-a-hu lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 1996, ông đã cho xây dựng khu định cư Ha Hô-ma, quyết tâm sáp nhập đất Pa-le-xtin tại Giê-ru-xa-lem. Bản thân chính phủ I-xra-en hiện nay và các chính phủ trước đều không muốn có những cuộc đàm phán mang ý nghĩa thực sự.

Mặt khác, Oa-sinh-tơn coi các nỗ lực độc lập và trở thành thành viên Liên hợp quốc của Pa-le-xtin là vô ích và cho rằng trước hết Pa-le-xtin nên ký hiệp định hòa bình với I-xra-en qua đàm phán. Đây là điểm mấu chốt đã và đang làm thất bại các nỗ lực hòa bình trong khu vực.

Tuy nhiên, thời điểm này, có nhiều lý do để xem xét vấn đề ủng hộ một nhà nước Pa-le-xtin độc lập, đó là một số cựu lãnh đạo các cường quốc châu Âu, những người mà vào thời điểm năm 1998 đã kiên quyết phản đối ông A-ra-phát tuyên bố thành lập nhà nước Pa-le-xtin, thì nay lại quay sang ủng hộ điều này. Sở dĩ như vậy là do ảnh hưởng của cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả-rập”. Mặc dù người đứng đầu chính quyền Pa-le-xtin hiện nay, Tổng thống Ma-mút Áp-bát không có sức lôi cuốn như ông A-ra-phát, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Pa-le-xtin. Sự xuất hiện của cuộc cách mạng tại các nước Ả-rập đã tạo ra sự khác biệt cho tiến trình đàm phán. Vấn đề bây giờ là vai trò của dân chúng đã tăng lên, chính điều đó đã buộc ông Áp-bát phải làm theo nguyện vọng của người dân. Đến nay, Liên đoàn Ả-rập (AL) đã tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Pa-le-xtin. Dự kiến sẽ có từ 130 đến 140 nước bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc công nhận nhà nước Pa-le-xtin độc lập.

Rõ ràng, khát vọng của người dân Pa-le-xtin là chính đáng. Thế nhưng dẫu hiện có khoảng hơn 2/3 trong tổng số 192 quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu ủng hộ, thì tất cả mới chỉ là dự kiến. Con đường độc lập phía trước của người dân Pa-le-xtin còn quá nhiều việc phải làm để biến ước mơ cháy bỏng của dân tộc Pa-le-xtin thành hiện thực.

Thanh Lâm