Tuy nhiên, thật vui mừng là trong khó khăn ấy lại có những con người luôn đem hết nhiệt tình, trách nhiệm trong xây dựng quê hương…

Vừa bước lên xe chị đã nói ngay: “Xã chúng em là xã biên giới, chỉ cần trời đổ mưa thì như một hòn đảo bị cô lập, không thể đi vào, đi ra được. Ở đây đa số là người Mông, còn người Giáy, người Nùng, Xuồng, Hoa, Tày thì ít thôi; các anh cứ đến rồi khắc biết!” Xe ra khỏi thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang), đường lên Sơn Vĩ hiện ra ngoằn ngoèo, cheo leo giữa một bên núi, một bên vực sâu thăm thẳm, hết cua dốc này đến cua dốc khác, mà toàn là cua “tay áo” với đất, đá xen lẫn lổn nhổn, gập ghềnh. Chỉ cách thị trấn Mèo Vạc khoảng 60 km mà “xe ngon, lái lụa” cũng phải mất gần 3 giờ đi đường mới tới nơi thì đủ biết đường lên Sơn Vĩ như thế nào! Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là, trong khởi sắc về kinh tế, xã hội ở một xã vùng biên, có sự đóng góp không nhỏ của 2 người phụ nữ: Chị Hoàng Thị Tương, Bí thư Đảng ủy và chị Lù Thị Dâu, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị Chủ tịch “đầu bốn đuôi khiêm tốn” này là người khá năng động, say mê công việc, được bà con quý mến và cấp trên tin tưởng. Có một chuyện mà chị thường nói vui với chúng tôi: “Mình chưa làm “cấp phó” bao giờ đâu nhé! Làm là làm trưởng luôn đấy!”. Hỏi chuyện về chị được biết, trước đây chị chưa hề biết chữ. Năm 1996, chị được đi học lớp xoá mù chữ, năm 1997 thì học xong. Năm sau chị được cử đi tập huấn 20 ngày ở Hội Phụ nữ tỉnh và được đi tham quan một số nơi. Sau chuyến đi tập huấn ấy, chị được giao ngay nhiệm vụ “ủy quyền” làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, nhiệm kỳ 1999-2004, không qua Ban chấp hành (Năm 2001 mới bầu chính thức). Tháng 6 năm 2004, chị giữ chức Chủ tịch UBND xã. Theo chị, có lẽ gia đình chị (11 người gồm ông bà, vợ chồng, các em dâu, rể) luôn là gia đình chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, lại là gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” liên tục các năm ở địa phương, nên được Đảng tin cậy. Vả lại, bố mẹ chồng chị rất “bôn”, nhất là trong giáo dục con cháu trong gia đình.

Chị kể, kỷ niệm nhớ nhất với chị là vận động bà con cấy lúa lai và trồng cây đậu tương ở quê chị. Qua những lần đi tham quan, học tập ở các nơi, chị nhận thấy lúa lai và đậu tương là 2 loại cây hoàn toàn hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn Vĩ. Không những có thể trồng được mà còn có khả năng cho năng suất cao; trong khi đời sống của bà con quê chị còn đang khó khăn thiếu thốn. Nghĩ vậy, nhưng để những loại cây trên “đứng chân” được ở đây không hề dễ chút nào, vì do tập tục bà con chưa quen chuyển đổi cây trồng. Chị liền gặp các trưởng xóm và một số hạt nhân cốt cán tuyên truyền, vận động làm thử, bản thân gia đình chị cũng tiên phong làm trước. Bắt đầu từ một đến vài nhà, một vài xóm, đến nay, cây đậu tương với giá hơn 15.000 đồng/kg không chỉ bán cho các chợ trong vùng mà còn bán cho cả địa phương bên nước bạn. Cùng với lúa lai cho năng suất cao, cây đậu tương đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống cho bà con Sơn Vĩ. Từ đấy, bà con càng tin yêu “chị Chủ tịch” của mình hơn! Chị cho biết, Sơn Vĩ hiện nay có 3 xóm đã có điện lưới quốc gia, 2 xóm đang mắc, còn lại 19 xóm đang chờ dự án. Được bộ đội biên phòng tỉnh giúp đỡ, xã đang triển khai chương trình thủy lợi với hệ thống 3 kênh mương và chương trình nước sạch có bể lọc và đường dẫn từ đầu nguồn xuống sẽ góp phần nâng cao đời sống xã hội của bà con trong xã.

Một kỷ niệm làm chị khó quên, ấy là một lần trên cử cô Lù Thị Hạnh cán bộ y tế xã chưa hết Trung học phổ thông đi học, cô Hạnh học được mấy ngày liền bỏ về với lý do tuổi cao rồi, học không vào. Thấy vậy, chị bảo ban khuyên nhủ: “Bỏ học là bỏ nghề đấy, bây giờ không như ngày xưa đâu! Hãy học hỏi những người xung quanh mình ấy!”. Nghe chị, cô Hạnh đã ở lại học hết lớp 12, bây giờ công việc ổn định. Mỗi lần chị em gặp nhau, Hạnh lại ríu rít ôn lại những chuyện đã qua với tấm lòng biết ơn “chị chủ tịch”. Trong lần ra huyện họp, chị gặp cô giáo Sương, người Bắc Quang, được điều lên Mèo Vạc. Chồng con thì ở xa, thấy địa phương khó khăn, thiếu thốn, lại lạ lẫm chưa quen, Sương cứ khóc suốt, nhìn như người mất hồn, Chị chủ động bắt chuyện, động viên, phân tích. Bây giờ cô giáo Sương không những không bỏ nghề mà lại có một mái ấm gia đình bên cạnh. Có được niềm vui ấy, cô thường bảo: May mà em gặp được chị Dâu đấy!

Điều gì khiến các chị quan tâm nhất, khi ở đây có tới hơn 30 cột mốc tiếp giáp nước bạn? (từ cột 491 đến 519). Nghe chúng tôi hỏi, chị cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở bà con không được nghe lời bọn xấu xúi giục để làm những việc không tốt. Nhờ làm tốt phong trào bảo vệ đường biên nên nhiều năm qua, ở đây việc phòng chống buôn lậu và các tệ nạn khác rất tốt. Bảo vệ đường biên thì phải dựa vào dân. Muốn vậy, cần phải luôn tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng lực lượng dân quân du kích mạnh, làm nòng cốt. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn có sự giúp đỡ, hiệp đồng chặt chẽ và hiệu quả của bộ đội biên phòng đồn Lũng Làn trong việc bảo đảm giữ gìn trật tự trị an ở địa phương.”

Một cán bộ đồn biên phòng Lũng Làn cho biết: Mỗi khi anh em trong đồn cần phối hợp công tác hoặc sự hỗ trợ của địa phương, chúng tôi lại tìm gặp chị chủ tịch Dâu. Đấy là con người miệng nói, tay làm, con người của công việc ở một xã biên ải này.

Hoàng Hà