Gặp các CCB Việt Nam tại châu Au
Tại Béc-lin (CHLB Đức) chúng tôi gặp lại CCB Trương Minh Hương. Đầu năm nay chị đã về dự Hội nghị BCH Hiệp hội DN CCB Việt Nam lần thứ III tại Tuần Châu (Quảng Ninh). Là con gái Huế, theo gia đình tập kết ra miền Bắc, tốt nghiệp đại học lại tình nguyện nhập ngũ, trở về miền Nam chiến đấu. Là Việt kiều yêu nước ở CHLB Đức, chị Hương tham gia tích cực các phong trào. Bằng sự năng động, sáng tạo của mình, 21 năm trước chị đã đặt nền móng cho sự phát triển Internet tại Việt Nam. Chị đã làm tất cả để Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép sớm nhất cho tập đoàn BOSCH của Đức đặt văn phòng đại diện và đấu thầu thành công việc lắp đặt rải đường dây cáp quang điện ngầm đoạn từ cảng Xihanuc (Campuchia) đến cảng Sài Gòn và nối dưới biển đến Hongkong. Từ Hongkong sẽ nối liền với bờ Đông và bờ Tây Hoa Kỳ. Lần gặp này chị muốn cùng CCB Đỗ Hồng Thanh đưa cà phê tươi Đak Lắk vào thị trường Đức.
Khi đến thăm, giao lưu với Hội CQN bang Sachsen Anhlt Magdeburg, chúng tôi nhận ra không khí thân tình như gặp nhau tại quê nhà. Trong nhà hàng Hương Sơn (39104 Magdeburg) của anh Đặng Văn Thịnh-con liệt sĩ Đặng Văn Đối và Mẹ VNAH Lê Thị Thê, các CCB Nguyễn Ánh Sao, Đào Xuân Vinh, Đào Đức Nghĩa, Nguyễn Mạnh Hùng... cùng một số CCB trong bang đã trao đổi với nhau nhiều nội dung mọi người cùng quan tâm. CCB, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng-nguyên là học viên Trường sĩ quan Lục quân 2 sôi nổi kể lại chuyến về nước, thăm quần đảo Trường Sa cách đây vài tháng. Hội hiện có 152 người, hầu hết là doanh nhân, tích cực hưởng ứng các phong trào vì Tổ quốc, thường xuyên gửi quà về nước làm từ thiện xã hội. Và Hội có một chi bộ, gồm 9 đảng viên duy trì sinh hoạt đều đặn.
Tại CH Séc, chúng tôi gặp CCB Nguyễn Văn Đang-Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tỉnh Karlovy Vary. Ông quê huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là đồng đội cũ của Đại tá Mai Xuân Tâm trong đội hình đơn vị vận tải Đoàn 559 trong chiến tranh chống Mỹ.
Từ hai bàn tay trắng, sau mấy chục năm ông đã gây dựng một gia sản không nhỏ trên nước bạn cho gia đình. Ông thường xuyên về Việt Nam tham gia các công việc từ thiện xã hội. Ông đã làm cầu nối cho CCB Đỗ Hồng Thanh nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất gạch không nung của CH Séc về Việt Nam. Trò chuyện với CCB Dương Đình Tùy-Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tại CH Séc và CCB Nguyễn Văn Sơn-Phó chủ tịch, Bí thư chi bộ cùng các ủy viên Ban Thường vụ, BCH Hội CCB Việt Nam tại CH Séc, chúng tôi càng hiểu tấm lòng của các anh với quê hương đất nước và với truyền thống vẻ vang Bộ đội Cụ Hồ.
Trong không khí thân tình này, Đại tá Mai Xuân Tâm đã giới thiệu những nét cơ bản về tổ chức, hoạt động của Hiệp hội DN CCB Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt giữa Hiệp hội với T.Ư Hội CCB Việt Nam. Tại đây đồng chí cũng giới thiệu thêm về những đồng chí cán bộ chủ chốt của Hiệp hội đang là tấm gương sáng trong sản xuất kinh doanh và giàu lòng nhân ái. Đó là các doanh nhân CCB Lê Văn Kiểm, Đào Hồng Tuyển, Dương Công Minh, Lê Quốc Phong, Nguyễn Đức Lạc, Nguyễn Đình Trường, Vũ Ngọc Thuần... Đồng chí đã gửi Hội CCB Việt Nam tại CH Séc cuốn Điều lệ Hiệp hội DN CCB Việt Nam để nghiên cứu, tham khảo và nêu rõ quy chế kết nạp hội viên, hội viên tổ chức, hội viên liên kết và hội viên danh dự... nhằm mở rộng quy mô, tầm hoạt động, uy tín của Hiệp hội DN CCB Việt Nam.
Phát biểu với các CCB, ông Hoàng Đình Thắng-Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc thông báo tình hình chung của cộng đồng người Việt tại đây. Nét mới nhất là Chính phủ CH Séc đã công nhận người Việt là thành phần dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Hiện nay CH Séc có 10,5 triệu dân thì có trên 70 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc có cuộc sống ổn định, nhiều doanh nhân thành đạt. Đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, tích cực hưởng ứng các phong trào vì quê hương. Trong đó vai trò của lực lượng CCB vẫn là nòng cốt, là chỗ dựa tinh thần...
Bài và ảnh: Đào Văn Sử