G7 bị cuốn vào Biển Đông
Các Ngoại trưởng G7 họp tại T.P Karuizawa, tỉnh Nagano ngày 18-4.
Hàng loạt cuộc họp của các Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra trong suốt hai tuần qua nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 của nhóm vào tháng 5 tới. Đáng chú ý nhất có lẽ là cuộc họp của Ngoại trưởng G7 bởi sau khi kết thúc 3 ngày họp tại Karuizawa (Nhật Bản), ngày 18-4, các Ngoại trưởng G7 đã thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án các “hoạt động quân sự hóa” trên biển của Trung Quốc, bên cạnh một loạt quan điểm nghiêm khắc và những cảnh cáo khác.
Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép. Thông cáo ghi rõ: “Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách lãnh hải rộng lớn tại Biển Đông và chúng tôi phản đối mọi hoạt động quân sự hóa tại khu vực”. Văn bản của G7 nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính phổ quát và thống nhất của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, một khuôn khổ pháp lý cho phép điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương và cũng là cơ sở hữu ích để giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình mà ví dụ điển hình là phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7-2016.
Như vậy, có thể hiểu chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp gần đây không giúp giải tỏa quan ngại của các cường quốc về các hoạt động quân sự cũng như ý đồ của Trung Quốc. Trong khi một số thành viên G7 đang cố gắng cải thiện hợp tác về kinh tế với Bắc Kinh thì những mơ hồ về ngoại giao và quân sự lại cản trở nỗ lực bảo đảm một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cụ thể trên biển là việc áp dụng UNCLOS 1982. Cho dù G7 đã thể hiện chung lo ngại về các hành động của Trung Quốc và mong muốn cùng nhau tiếp tục triển khai cách tiếp cận phối hợp, theo đó duy trì quan hệ với Bắc Kinh cho dù các quốc gia phải đương đầu với sức ép và những hành vi vi phạm nguyên tắc quốc tế trong thương mại từ Trung Quốc, hành động của từng quốc gia thành viên G7 ở khu vực, dù không nói là nhằm vào Trung Quốc, lại đẩy căng thẳng lên cao. Nhật Bản đã tìm cách từ bỏ các nguyên tắc chỉ mang tính tự vệ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm cả nỗ lực xây dựng năng lực tấn công phủ đầu và tên lửa hành trình. Trong khi đó, những cuộc tập trận liên tiếp, đồng thời và ở quy mô lớn chưa từng thấy giữa Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng biến các khu vực này thành những thùng thuốc súng để cạnh bếp lửa.
Tất nhiên, Trung Quốc chẳng thể chấp nhận chỉ trích của G7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Uông Văn Bân tố cáo khối G7 là đã “vu khống” và “bôi nhọ” Bắc Kinh. Ông Uông Văn Bân cho rằng tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nhìn chung ổn định và cho rằng G7 không có tư cách chỉ trích Trung Quốc. Với tư cách là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc kiên quyết hành động theo Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đồng thời cam kết xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh.
Lời qua tiếng lại giữa Trung Quốc và G7 ắt sẽ không mang lại những chuyển biến tích cực cho an ninh trong khu vực. Ngược lại, nó chỉ phản ánh một thực tế là trong khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa các đảo, đá, nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận quân sự thì các cuộc tập trận quân sự liên tiếp của Mỹ với các đồng minh cùng việc các bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau khiến tình hình phức tạp hơn. Đáng lưu ý, tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 vừa qua được chuẩn bị như một khuôn mẫu dự kiến được các nhà lãnh đạo toàn cầu sử dụng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima trong tháng 5 tới. Khi tuyên bố được thông qua ở cấp độ cao nhất của G7, Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông sẽ được chú ý nhiều hơn. Điều đáng quan ngại là, khi các bên không cùng nhau tìm ra giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề, việc chỉ trích lẫn nhau hay phô trương “cơ bắp” quân sự trên biển ắt sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Thanh Huyền