Festival Huế - bước đầu hình thành
Nhiều lễ hội cung đình được phục dựng, giúp công chúng tiếp cận, cảm nhận sâu sắc hơn bản sắc văn hóa Huế.
Từ một sự kiện giao lưu văn hóa năm 1992, Huế đã khởi động hành trình 25 năm xây dựng thương hiệu Festival mang tầm quốc tế. Festival Huế không chỉ là lễ hội nghệ thuật, mà còn là động lực phục hưng di sản và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Từ “Liên hoan gặp gỡ Huế 1992” đến dấu ấn năm 2000
Festival Huế - một thương hiệu văn hóa đẳng cấp quốc gia và quốc tế, chính thức ra mắt vào năm 2000, nhưng ít ai biết rằng những bước đi đầu tiên cho lễ hội tầm vóc này đã bắt đầu từ năm 1992. Khi đó, với sự hỗ trợ của Hội Người yêu Huế (Amical des Amis de Hué) tại Pháp và tổ chức CODEV (Hợp tác và Phát triển) thuộc Tổng công ty Điện lực Pháp (EDF), UBND T.P Huế đã tổ chức sự kiện “Liên hoan gặp gỡ Việt - Pháp” (Rencontre Franco-Vietnamienne) tại Huế. Đây là lần đầu tiên một Festival chính thức xuất hiện tại Việt Nam, mở ra một không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng, cộng đồng và đầy sức hút cho người dân Huế cũng như du khách.
Tại kỳ liên hoan năm đó, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế (nay là Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế) đã trình diễn 8 tiết mục múa hát cung đình nguyên bản. Không chỉ là một hoạt động giao lưu nghệ thuật, sự kiện này được xem là tiền đề cho việc hình thành một chương trình lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc cố đô.
Tiếp nối thành công từ sự kiện này, năm 1998, với sự hỗ trợ của Hội Người yêu Huế tại Pháp và tổ chức Hợp tác phát triển CODEV, UBND T.P Huế đã tổ chức một kỳ lễ hội mang tính thử nghiệm, đặt nền móng cho mô hình tổ chức Festival Huế. Những ý tưởng và “công nghệ tổ chức” từ sự kiện năm 1998 đã được trình lãnh đạo tỉnh và T.Ư, làm cơ sở hình thành Festival Huế 2000. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, Ban Tổ chức Festival Huế 2000 đã hình thành cơ chế điều hành Festival với vai trò đồng Tổng đạo diễn, đồng Giám đốc sản xuất chương trình, Giám đốc kỹ thuật, Giám đốc Marketing... do cả hai phía Việt Nam và Pháp cùng đảm nhận để thực hiện đề án Festival Huế 2000, thu hút được sự quan tâm hỗ trợ, ủng hộ từ nhiều phía.
Thành công của Festival Huế 2000 đã tạo được những hiệu ứng xã hội tốt, khơi dậy năng lực sáng tạo và lợi thế khai thác phát huy các giá trị văn hóa Huế, văn hóa dân tộc của vùng đất cố đô Huế. Dư luận ủng hộ của xã hội, của giới hoạt động nghệ thuật và sự cỗ vũ nhiệt tình của báo chí càng tạo thêm sức hấp dẫn của Festival Huế.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, một trong những người đặt nền móng cho Festival Huế, chính mô hình công nghệ của Pháp đã truyền cảm hứng để Huế định hình một lễ hội vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở quốc tế. “Chúng tôi học từ Pháp, nhưng không rập khuôn. Chúng tôi tạo ra một phiên bản Festival đặc thù của Huế” - ông Hoa nhấn mạnh.
Từ quan điểm đó, Festival Huế 2000 ra đời với cấu trúc tổ chức mới mẻ, đột phá với ba tầng hoạt động gồm: Chương trình IN - những tiết mục nghệ thuật đỉnh cao, tuyển chọn từ các đoàn trong và ngoài nước, trình diễn trong không gian di tích như Đại Nội, Cung An Định. Đây là phần “linh hồn” của Festival, mang đến trải nghiệm nghệ thuật đẳng cấp, có bán vé, ứng dụng kỹ thuật hiện đại.
Chương trình OFF: Mở rộng không gian lễ hội đến cộng đồng, từ thành phố đến nông thôn với các hoạt động miễn phí như “Chợ quê ngày hội”, “Hương xưa làng cổ”, “Sóng nước Tam Giang”... góp phần đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng; Chương trình hưởng ứng: Do các tổ chức, cá nhân tự nguyện thực hiện, bao gồm “Lễ hội ẩm thực”, “Festival thơ”, triển lãm, hội chợ... góp phần mở rộng không gian lễ hội, tăng sức lan tỏa cho Festival Huế.
Festival Huế 2000 diễn ra 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế... Không gian văn hóa độc đáo của Quảng trường Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, sông Hương, cửa Hiển Nhơn, Cửa Thượng Tứ... có lúc đã trở thành không gian trình diễn nghệ thuật đặc sắc, chỉ riêng có ở chốn kinh đô xưa.
Lễ hội của di sản, cộng đồng và sự hồi sinh
Không chỉ là nơi quy tụ tinh hoa nghệ thuật, Festival Huế còn là chất xúc tác đánh thức những giá trị văn hóa cố đô tưởng chừng đã bị lãng quên. Nhiều nghi lễ cung đình như Lễ tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, Ngự yến cung đình, Lễ hội Áo dài, Dạ tiệc Hoàng cung… được phục dựng, bảo tồn, qua đó giúp công chúng tiếp cận, cảm nhận sâu sắc hơn bản sắc văn hóa Huế.
Festival Huế dần trở thành điểm hẹn của văn hóa truyền thống và hiện đại, nơi giao thoa đa sắc giữa các vùng miền Việt Nam và nhiều nền văn hóa thế giới. Qua mỗi kỳ tổ chức, lễ hội không chỉ quảng bá hình ảnh Huế - thành phố di sản, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao T.P Huế khẳng định, Festival Huế mang sứ mệnh đẩy mạnh giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với thế giới; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo môi trường bảo tồn và phát huy bản sắc trong xu thế toàn cầu hóa. Việc tổ chức Festival còn góp phần phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại và xây dựng một môi trường văn hóa an toàn, thân thiện, nhân văn.
Thành công của Festival Huế đã tạo dựng được “thương hiệu”, thu hút được hàng ngàn nghệ sĩ khắp các châu lục lần lượt đến với sân chơi Festival Huế, mang theo những chương trình nghệ thuật có chất lượng, những kỹ thuật biểu diễn mới lạ, giới thiệu những sắc thái văn hóa đa dạng, từ truyền thống đến hiện đại của nhiều nước trên thế giới, kích thích xu hướng sáng tạo mới ở Huế và có ảnh hưởng đến một phần trong nước. Từ sân chơi này, Festival Huế đã giới thiệu với công chúng một số tài năng trẻ của đất nước.
“Festival Huế đã đánh thức xứ Huế cổ kính, trầm mặc vươn dậy, thoát ra khỏi tình trạng trì trệ đã kéo dài nhiều năm trước để mạnh dạn tổ chức, phát triển một số loại hình dịch vụ, sản xuất; khai thác vị thế của vùng đất cố đô, lợi thế của một trung tâm du lịch đặc sắc của Việt Nam, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện bộ mặt của đô thị Huế và nhiều vùng phụ cận. Hình ảnh Huế, Festival Huế ngày càng được công chúng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn trước” - TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Rào cản lớn với Festival Huế
Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên hình thành và phát triển, Festival Huế bắt đầu bộc lộ những điểm nghẽn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sau nhiều năm tổ chức, mô hình Festival Huế bắt đầu xuất hiện xu hướng “lược giản”, thiếu vắng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, vốn là điểm nhấn quan trọng của lễ hội. Thêm vào đó, sự thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, từ tổng đạo diễn, tác giả sáng tạo đến các chuyên viên kỹ thuật, sân khấu, âm thanh - ánh sáng… đã ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật chung của Festival.
“Mô hình thành phố Festival - nơi không gian được mở rộng cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sinh thái và giải trí - vẫn còn nhiều hạn chế. Các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, sân khấu biểu diễn vẫn hầu như không có sự thay đổi so với thời điểm khởi đầu” - ông Hoa chia sẻ.
Theo TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử T.P Huế, nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế, về cơ sở vật chất, một số không gian lễ hội do tính chất, quy mô đặt ra nhưng chưa được đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ, dẫn đến việc phải thay đổi nội dung chương trình. Dù đã qua nhiều kỳ tổ chức, hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đủ chủ động, phần lớn đạo diễn, chuyên gia kỹ thuật đều phải thuê mướn bên ngoài.
“Các sản phẩm lễ hội được đầu tư dàn dựng khá tốn kém, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi phù hợp đóng góp phục vụ du lịch một cách bền vững. Có những lễ hội, sau khi kết thúc, các chương trình chỉ được bảo quản rồi lại dựng lại sau 2 năm mà ít có sự đổi mới, nâng cao. Cần phải tìm cách khai thác giá trị văn hóa của lễ hội để tạo ra sản phẩm du lịch lâu dài, giúp những thành quả này đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa du lịch” - TS. Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Đến năm 2022, một bước ngoặt quan trọng được mở ra, Festival Huế chuyển sang mô hình “Festival Bốn Mùa” - chuỗi lễ hội diễn ra quanh năm thay vì tập trung vào một kỳ cao điểm. Đây có thể là lời đáp cho yêu cầu đổi mới, thích nghi trong bối cảnh hiện tại, nhưng cũng là thử thách lớn để Festival Huế giữ được “chất riêng” đã làm nên thương hiệu suốt thời gian qua.
Sỹ Linh - Anh Tuấn