Đường xe cảm tử (08/03/2012)
Ngay ngày nhập ngũ vào tháng 9-1971, Trường đại học Xây dựng Hà Nội có 200 giảng viên và sinh viên lên đường, ban đầu không có tên anh. Anh học khoa Cầu đường nhưng khi ở lại trường thì làm giảng viên khoa Xây dựng. Người ta phải bổ sung anh khi có mấy người không đủ sức khỏe tuyển quân. Sau đó, liên tục 35 năm đội mũ đeo sao thì 8 năm là Trợ lý Tham mưu Lữ đoàn 219, từ năm 1972 đến năm 1980, nghĩa là bắt đầu vào cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ vắt sang chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi mới hỏi anh, vậy thì có kỷ niệm nào đáng nhớ trong cái chức ấy không. Anh cười hiền hậu, kỷ niệm thì nhiều nhưng chỉ có một lần mà nhớ suốt đời. Đó là chuyện “Đường xe cảm tử”.
Vào tháng 8-1974, chiến dịch K18 đợt 1 đã mở rộng vùng giải phóng vào sâu tới 10km phía tây nam TP Huế. Lữ đoàn công binh 219 nhận nhiệm vụ khôi phục một đoạn đường 14 dài hơn 7km để đưa pháo 85 ly, 122 ly tới các điểm cao 75 và 76 phối hợp với các lực lượng tiến công đợt 2. Đoạn đường này đã xuống cấp, ổ trâu, ổ bò nham nhở đá sỏi mà địch đã chôn 111 quả mìn M15 để đề phòng ta tiến công bằng cơ giới; sau do tình hình chiến sự du kích và bộ đội địa phương K8 cũng gài mìn để chặn địch đi càn nên bị bỏ hoang. Cỏ dại và dây leo bò kín mặt đường. Thời gian thông đường quá gấp, đơn vị của anh Tâm chỉ kịp dò gỡ mìn sát thương, còn lại rải quân soi xét, chỗ nào nghi có mìn M15 thì dùng cuốc đào lên (mìn M15 khi có lực tác động bằng 70kg trở lên mới nổ, dùng cuốc đào vẫn an toàn) và đã tháo được 108 quả mìn chống tăng M15. Tưởng đã xong xuôi, đơn vị anh phấn khởi theo dõi những chuyến xe pháo rầm rập tiến vào. Chiếc thứ nhất kéo pháo vào an toàn, nhưng ba chiếc xe chở đạn tiếp theo khi ra đều bị mìn nổ, xe hỏng, lái xe bị thương, trong đó có một chiếc lái xe không dám đi, đích thân chính trị viên đại đội vận tải phải cầm lái, anh cũng bị thương. Tới đây, anh Bùi Minh Tâm cúi xuống giấu một giọt nước mắt rồi ngập ngừng: “Là kỹ sư cầu đường nhưng kinh nghiệm của tôi về bom mìn còn ít, địa hình phức tạp, lại thêm trời tối, lái xe không căn đúng đường. Chiếc xe trước bị mìn nhưng anh chính trị viên và lái xe sau vẫn tiến lên. Nhìn đoạn đường xanh màu cỏ lá, chỉ có hai vệt bánh xe khiến chúng héo nát thẫm đen mà tôi ân hận và nhớ đến suốt đời. Đúng là “Đường xe cảm tử”.
Tháng 12-1978, chuẩn bị cho chiến dịch phản công quân Pôn-pốt; trợ lý tham mưu Bùi Minh Tâm cùng đơn vị bay một mạch từ Huế vào sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) làm nhiệm vụ dò mìn và sửa chữa một đoạn đường dài 1,5km cho Lữ đoàn xe tăng 203 và Quân đoàn 2 vượt sông Vĩnh Tế tại khu vực Ba Trúc, huyện Bảy Núi, An Giang. Đường vừa thông, các loại xe tăng, xe thiết giáp cũng ào ào kéo tới. Lữ đoàn trưởng xe tăng Trần Minh Công hỏi: Có gì bảo đảm an toàn không? Nhớ lại “Đường xe cảm tử”, anh Tâm cương quyết: Tôi sẽ đi trước, rồi cắm cúi chạy dẫn đường. Sau vài trăm mét không thấy mìn, Lữ đoàn trưởng mới gọi to: Tâm ơi, ông về đi, chạy thế khi có mìn ông chết trước, xe tăng chỉ đứt xích là cùng, còn lái xe thì không việc gì đâu. Đoạn đường đã nâng bước kịp thời cho Quân đoàn 2 tiến lên tiêu diệt kẻ thù.
Sau này, khi giữ các cương vị Phó chủ nhiệm Công binh Quân đoàn 2, Phó phòng Khoa học và công nghệ BTL Công binh, rồi Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, ông vẫn lấy “Đường xe cảm tử” làm bài học xương máu của mình. Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn đã mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nước, hoạt động có hiệu quả trên mọi miền Tổ quốc, đạt nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới. Năm 2006, Đại tá Bùi Minh Tâm nghỉ hưu, ông được bầu làm tổ trưởng Đảng, nay là chi ủy viên chi bộ cụm dân cư số 6, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm