Đường thư: Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Hưng Yên bị “kiểm tra”

Cụ thể theo đơn tố cáo nêu, khi làm lý lịch đảng viên, ông Tuấn đã gian dối không kê khai trung thực lý lịch về hoạt động của bố ông Tuấn. Đến khi bị phát hiện, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên lại để cho ông Tuấn khai bổ sung vào lý lịch và không có hình thức kỷ luật nào.
Cũng theo đơn tố cáo, từ năm 2012 đến nay, khi làm Hiệu trưởng, ông Tuấn đã có nhiều vi phạm trong quản lý kinh tế, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, có biểu hiện trù dập cán bộ... Ví như trong việc chi trả tiền coi thi cho cán bộ coi thi THPT quốc gia năm 2016 có dấu hiệu bị ăn chặn, được lập thành 2 danh sách để chi trả chế độ này. Cụ thể số tiền bị ăn chặn chiếm gần 1/2 số tiền thực lập và đại diện đơn vị có cán bộ coi thi còn ký thay và lĩnh tiền thay cho nhiều cán bộ coi thi.
Trong công tác liên kết đào tạo liên thông đại học, thạc sĩ với Trường đại học Thái Nguyên, Tiến sĩ Khánh còn tố cáo một loạt sai phạm, như: Không ký hợp đồng giữa hai bên, mà chỉ ký “Bản ghi nhớ hợp tác”. Theo bản ghi nhớ này, Trường CĐSP Hưng Yên sẽ được sử dụng 27% học phí thu được. Tuy nhiên, số tiền này cũng không được nhập vào sổ sách kế toán của Nhà trường (?). Hơn nữa, theo quy định của Bộ GDĐT lớp liên kết không được đặt tại trường liên kết mà phải đặt ở Trường đại học đào tạo, nhưng bất chấp quy định, các lớp đào tạo Thạc sĩ khóa 9 (năm 2015-2017) và Thạc sĩ khóa 10 vẫn đang học tại Trường CĐSP Hưng Yên.
Ngoài ra, trong đơn tố cáo còn đề cập đến việc ông Tuấn tự ý chỉ đạo Khoa Bồi dưỡng và Phòng Đào tạo lạm thu tiền hỗ trợ nhà trường, thu chênh lệch tiền khám sức khỏe cho sinh viên, học quân sự, đào tạo cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng cho giáo viên...; thanh toán không nhất quán, lập chứng từ thanh toán không minh bạch.
Đơn tố cáo cũng cho rằng, trong công tác bổ nhiệm cán bộ và phân công lao động, ông Tuấn còn gây ra nhiều bức xúc cho cán bộ, giảng viên. Bởi lẽ, theo quy định, Thủ trưởng cơ quan phải phân công công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn của công chức nhưng ông Tuấn đã tạo ra cơ chế xin - cho khi phân công công việc. Tiến sĩ Khánh đưa ra bằng chứng là giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giảng dạy bộ môn Thủ công Kỹ thuật ở các lớp Tiểu học (hệ chính quy từ năm 2011), thế nhưng, từ tháng 8-2012, ông Tuấn đã tự ý điều chuyển bà Thảo về làm việc tại Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục mà không tham khảo ý kiến của các phòng chức năng và trong Kế hoạch công tác năm học 2013-2014 đã không phân công giờ dạy cho giảng viên Thảo, gây thiệt hại, không đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Thậm chí ông Tuấn còn yêu cầu giáo viên phải viết đơn xin giờ dạy...
Để làm rõ những tố cáo trên, phóng viên liên lạc và đặt lịch làm việc với ông Ngô Văn Tuấn qua điện thoại. Tuy nhiên, ông Tuấn đã từ chối làm việc, với lý do UBKT Tỉnh ủy Hưng Yên đang tiến hành xác minh các nội dung trên theo đơn tố cáo.
Trao đổi qua điện thoại với ông Lê Bình - Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hưng Yên, ông Bình xác nhận, đơn vị đã nhận được đơn thư tố cáo của cán bộ, giáo viên Trường CĐSP Hưng Yên. Hiện UBKT Tỉnh ủy đang tiến hành thanh, kiểm tra theo quy định và sẽ sớm có kết quả trả lời người tố cáo.
BBĐ