Đường Tây Trường Sơn khai sinh từ đây
Thực hiện điều thỏa thuận trên, tháng 4-1961, ta quyết định mở chiến dịch Tà Khống để giải phóng vùng nam – bắc Đường 9 – một địa bàn có tính chiến lược quan trọng – nhằm mở rộng vùng giải phóng của bạn, cũng là mở rộng hành lang xây dựng điểm đầu tiên của con đường vận tải quân sự Tây Trường Sơn. Sư đoàn 325 lúc đó thuộc QK4, được chọn làm lực lượng tác chiến chính của chiến dịch này. Đồng chí Lê Trọng Tấn, khi đó là Phó Tổng tham mưu trưởng, đã về tận TP Vinh giao nhiệm vụ cho các cấp chỉ huy sư đoàn. Chưa đầy 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhận lệnh, các đơn vị đã có mặt đông đủ trong đội hình hành quân vào mặt trận. Từ nghiên cứu địa hình, nghiên cứu tình hình địch, sư đoàn quyết định: Trung đoàn 101 do Trung đoàn trưởng Võ Hạp và Chính uỷ Thái Bá Nhiệm chỉ huy, sẽ đánh vào cụm phòng thủ chủ yếu của địch ở Sê Pôn, Tà Khống; Tiểu đoàn 19 đánh vào Mường Phìn, còn Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 95 và các đơn vị bạn làm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh chặn quân tiếp viện.
Ở chiến dịch này, hướng thứ yếu do Tiểu đoàn 19 đảm nhiệm phát triển thuận lợi, chưa đầy hai giờ nổ súng, đơn vị đã làm chủ Mường Phìn. Song bên hướng Sê Pôn, Tà Khống, cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt. Suốt hai ngày tiến công liên tục, chiến sĩ ta mới chiếm được bốn cứ điểm ngoại vi và sân bay Sê Pôn, còn mục tiêu chính là căn cứ Tà Khốâng do tiểu đoàn cơ động ứng chiến ngụy 12B1 chốt giữ thì vẫn ngoan cố chống trả, Trung đoàn 101 đã tổ chức nhiều cuộc xung phong quyết liệt, song đều bị phi pháo và xe bọc thép địch tiến ra phản kích, bắn chặn. Giữa lúc ấy, trung đoàn lại nhận được thông báo: địch từ Nậm Chô Lô đang hành quân về chiếm lại sân bay Sê Pôn và tăng viện cho tiểu đoàn 12B1 ở Tà Khống. Không nao núng, chỉ huy Trung đoàn 101 vừa tổ chức điều động quân ra chặn ở vòng ngoài, vừa tập trung lực lượng vào Tà Khống mạnh hơn, với cách đánh mới hơn: Đó là đưa ĐKZ và các hoả lực sát hàng rào để yểm trợ tốt hơn cho xung lực, lại vô hiệu được pháo địch. Với chiến thuật này, tiểu đoàn 3 của trung đoàn đánh tràn qua đường cái áp hàng rào, bắn sập và cháy luôn 6 lô cốt và hai xe bọc thép, diệt nhiều lính ngụy. Bọn địch ở đây bắt đầu hoảng loạn, chúng càng hoảng loạn hơn khi nghe thấy cánh quân tiếp viện đã bị Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 95 và bộ đội Pa Thét đánh cho tơi tả ở Na Mô, Mường Nưa, Mường Chanh và điểm cao 226; hai đại đội lọt được gần Sê Pôn, thì lại bị chính trung đoàn đang vây hãm Tà Khống này diệt gọn. Không còn hồn vía nào trụ bám nữa, số quân còn lại của tiểu đoàn 12B1 chờ đêm xuống, bỏ Tà Khống, cắt rừng tháo chạy về Bản Đông. Thừa thắng, liên tiếp các ngày sau, Trung đoàn 101 và các đơn vị bạn ào ạt đánh sang Bản Đông, Ka Ky và hàng loạt căn cứ khác ở miền Đông tỉnh Xavanakhét…
Như vậy, 10 ngày tham gia chiến dịch, Trung đoàn 101 đã tiêu diệt và bắt sống gần 400 tên địch, thu 2 xe tăng, 2 xe bọc thép, 3 xe vận tải, 3 xe Jeép, 8 kho vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Quan trọng hơn là cùng đơn vị bạn làm chủ đoạn đường số 9 từ Huội San đến Mường Pha Lan, mở ra hành lang rộng gấp đôi dự kiến của chiến dịch, giải phóng hàng vạn dân và giải phóng hoàn toàn 6 huyện nam – bắc Đường 9. Chiến dịch kết thúc, quần áo còm đượm mùi lửa đạn, Trung đoàn 101 cùng các chiến sĩ Đoàn 559 bắt tay vào kiến thiết khu kho chiến lược Sê Pôn – Tà Khống và mở gấp khúc đường vận tải quân sự Tây Trường Sơn đầu tiên: Hướng Lập - Bản Đông – Mường Noòng, đúng như ý định của các đồng chí lãnh đạo hai nhà nước, hai quân đội Việt – Lào.
NGUYỄN PHÚC ẤM