Được và chưa được sau 3 năm thực hiện Nghị định 67
Về những việc đã làm được cho thấy, ngân sách Nhà nước (NSNN) bước đầu duy trì ưu tiên bố trí vốn đầu tư các chương trình thuộc lĩnh vực thuỷ sản; trong đó, nguồn vốn đầu tư qua Bộ NNPTNT quản lý là 160 tỷ đồng; nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản gồm đầu tư các dự án khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá là 480 tỷ đồng; dự án đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản bố trí 640,5 tỷ đồng, đầu tư cho chương trình giống thủy sản là 220,2 tỷ đồng. Tuy NSNN ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67, nhưng nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ ngư dân chính là vốn tín dụng, với sự tham gia rất tích cực của hệ thống ngân hàng. Tính đến ngày 30-6-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, tính đến 31-7-2017 có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Theo báo cáo của các địa phương, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân hồ sơ vay vốn lưu động cho 267 lượt khách hàng. Một chính sách hỗ trợ rất quan trọng nữa là bảo hiểm cho thân tàu, ngư lưới cụ. Trong năm 2016, tổng giá trị bảo hiểm là 39.722 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.579 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 128.291 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 400 tỷ đồng. Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác như hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa... Các địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho 2.347 thuyền viên với kinh phí là 9.409 triệu đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, chúng ta thu được nhiều kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ ngư dân; nhất là việc đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; đóng mới 761 tàu trong đó có 301 tàu vỏ thép; đào tạo thuyền viên; bảo quản hải sản theo công nghệ mới; tổ chức sản xuất trên các vùng biển, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển theo hướng vùng biển xa bờ, tổ chức sản xuất theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá; giảm áp lực khai thác ven bờ, nâng cao đời sống ngư dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như các chính sách về bảo hiểm còn vướng mắc, việc thực hiện bảo hiểm khi có sự cố còn nhiều khó khăn, hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, một số tàu vỏ thép tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải không hoạt động... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện hai Công ty đóng tàu Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đã thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục và chịu chi phí toàn bộ các vấn đề về tàu vỏ thép của Bình Định hư hỏng ngay trong tháng 8 này; tuy nhiên, còn rất nhiều công việc cần thực hiện trong thời gian tới để Nghị định 67 đi vào cuộc sống như huy động nguồn lực, xây dựng đồng bộ các hạ tầng thiết yếu của các cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng các cảng cá động lực; hướng dẫn ngư dân duy tu, sửa chữa định kỳ đối với các tàu cá vỏ thép; tổ chức sản xuất hiệu quả đang đặt ra ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô...
Thanh Huyền