Dũng sĩ chiến trường - chiến sĩ nông trường

Mặc dù bị mảnh đạn pháo của địch găm sâu vào phía sau đùi bên phải, gây nhiều đau đớn (hiện mảnh đạn vẫn nằm trong đó), nhưng anh đã xông xáo làm nhiệm vụ suốt chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 cho đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng 7-5-1954.

Tháng 5-1958, Trung đoàn 176 được chuyển sang Nông trường quốc Doanh Điện Biên (gọi tắt là Nông trường Điện Biên). Ông Hận, do quá trình phấn đấu tích cực, nên được cấp trên giao làm Trưởng phòng Tổ chức... Tại Đại hội Đảng bộ nông trường năm 1966, ông nhận trọng trách Bí thư Đảng ủy, liên tục đến năm 1988, tròn 55 tuổi thì nghỉ hưu. *Cụ Nguyễn Văn Hận.
*
Lúc nhập ngũ, học vấn của ông Hận chỉ tương đương lớp 4 hiện nay. Từ khi làm Trưởng phòng tổ chức nông trường, ông tìm mua sách, rồi nhờ đồng đội có "nhiều chữ" dạy cho mình. Năm 1960, thi tốt nghiệp lớp 7 đỗ loại khá, ông có thêm điều kiện để đi học Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Trở về, lại tiếp tục học bổ túc tại chức do Ty Giáo dục Điện Biên mở, đến 1965 thì tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10/10).

Được cấp trên động viên: "Học ở Điện Biên thì phải gắng công làm cho Điện Biên giàu đẹp", ông Hận cùng anh em Phòng Tổ chức bàn bạc, phối hợp với các cơ quan, tham mưu giúp Đảng ủy và chỉ huy nông trường xây dựng mỗi đại đội trở thành một đơn vị sản xuất, bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên; đưa hai đội đến huyện Mường Ảng. Bộ đội vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá gỡ bom mìn, khai hoang, cải tạo đồng ruộng và hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đảng ủy tập trung phát huy ưu thế 500 đảng viên - Bộ đội Cụ Hồ đã qua thực tiễn kháng chiến. Lấy đảng viên làm nòng cốt, cấp ủy làm đầu tàu trong xây dựng và sản xuất.

Thời điểm đó, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Mầm xanh chưa kịp phủ dấu vết chiến trường. Cơm độn ngô, độn sắn, bữa no bữa đói. Các cặp đôi, vợ mới cưới ở dưới xuôi theo chồng lên nông trường, ngày đi làm, tối tá túc trong những lán nứa tre tập thể. Nhiều người vợ đã nghĩ đến bỏ về quê, nhưng thương chồng, nấn ná ở lại. Có chiến sĩ nghĩ ngợi tiêu cực: "Hôm qua - chiến sĩ xung phong/ Hôm nay "danh hiệu" đi tong mất rồi/ Suốt ngày bạt núi, san đồi/ Trồng khoai, nuôi lợn..., thành người nông phu!"...

Trước tình hình đó, Đảng ủy kịp thời lãnh đạo giáo giục Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Chỉ rõ: "Điện Biên là mảnh đất lịch sử, là nơi đồng đội hi sinh. Trách nhiệm của người còn sống là phải làm cho nó xanh tốt, cuộc sống khấm khá lên để đền đáp công ơn những người ngã xuống. Những ai biết trân trọng sự hy sinh của đồng đội thì hãy trụ lại tại mảnh đất này".

Về công tác tư tưởng, không thể áp dụng máy móc "kỷ luật sắt" trong quân sự chiến đấu, mà phải thực tiễn, mềm dẻo. Dùng lý để phê bình, lấy tình để cảm hóa; vận dụng cả văn nghệ vào để "làm tư tưởng". Có lần, trong cuộc họp, một chiến sĩ quê Thái Bình cứ đòi về gặp vợ ít hôm, rằng lúc đánh giặc thì không quản hy sinh để giành lấy độc lập tự do. Giờ hết giặc, có độc lập tự do rồi thì phải khác. Sao lại cứ "quản" như lúc đánh giặc? Anh em khác nghe vậy thì cũng tỏ vẻ "xao xuyến"... Ông Hận phân tích sự tình, rồi nói thân mật: "Nếu tất cả toàn quân đều nghỉ/ Để vũ khí han rỉ hay sao?/ Kẻ thù lợi dụng nhảy vào/ Hỏi còn hay mất núi cao sông dài". Thế là ổn!

Sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, trực tiếp là Bí thư Hận đã khiến những người lính dần dần an lòng vững dạ, lấy nông trường làm "cứ địa", đi đầu nghiên cứu, tìm tòi những cây, con giống có chất lượng cao và tích cực khai hoang thêm hàng nghìn héc-ta đất trồng cây lương thực, đẩy mạnh chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra, chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam và góp phần xây dựng miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước. Khi chiến tranh biên giới xảy ra, lớp trẻ nông trường cũng nối bước cha anh tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc...

Trong điều kiện nông trường đã phát triển ổn định, Lãnh đạo nông trường xin chủ trương của trên, chuyển một số đảng viên về các cơ quan của tỉnh, các địa phương, tạo điều kiện để đảng viên phấn đấu, phát triển.

Cụ Hận nghỉ hưu năm 1988. Trước khi rời nhiệm sở, cụ và cụ bà Nguyễn Thị Từa (nguyên tổ trưởng chế biến sữa nông trường Điện Biên) gọi các con lại dặn dò: "Bố mẹ sẽ về chăm lo gia tộc, xây dựng quê hương. Các con cứ yên tâm xây dựng Điện Biên. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa tình". Năm người con của các cụ đã vâng lời và làm trọn ý nguyện của cha mẹ.

Phạm Xưởng