Đừng “nóng” quá!
Mặc dù mang lại hiệu quả trị kinh tế cao cho người nuôi, song do phát triển “nóng” nên nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đang đối mặt những rủi ro cao về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Từ năm 2014 đến nay, tình hình tôm hùm nuôi bị thiệt hại có chiều hướng tăng mạnh . Đặc biệt, trong tháng 6-2017, có 30.412 lồng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu bị thiệt hại, gấp hơn 95 lần so với năm 2016 và hơn 14 lần so với năm 2014.
Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng (hàm lượng DO thường xuyên thấp hơn ngưỡng cho phép). Nguyên nhân là do người nuôi chưa ý thức bảo vệ môi trường, chất thải như xác, tôm, cá, thức ăn dư thừa... bỏ lại ngay vùng nuôi. Ngoài ra, do đặc thù nuôi lồng hở, mật độ nuôi dày, sử dụng thức ăn tự nhiên... nên lượng chất thải tích lũy trong đầm ngày càng dày, phân hủy gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân gây hiện tượng tôm chết bất thường gần đây.
Ông Nguyễn Tri Phương-PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, nhưng hầu hết các địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi nên khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước. Bên cạnh đó, công tác thống kê, theo dõi tình hình nuôi còn hạn chế; thông tin về môi trường và dịch bệnh còn chậm. Phác đồ điều trị bệnh sữa ít được áp dụng do điều kiện nuôi hở, ảnh hưởng chất lượng tôm nuôi thương phẩm. Tình trạng tôm hùm giống lưu hành chưa được nuôi cách ly, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có kết quả xét nghiệm bệnh nguy hiểm... vẫn phổ biến.
Ông Trần Minh Phương-Tổ trưởng Tổ cộng đồng nuôi tôm hùm Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) nhìn nhận, mặt nước đầm Cù Mông ngày càng hẹp, bởi mật độ nuôi lồng ngày càng nhiều dẫn đến quá tải. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát.
Để hạn chế rủi ro dịch bệnh trên tôm, cũng cần giám sát chặt chẽ tại vùng nuôi để khi phát hiện bất thường của thủy sản sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời. Về lâu dài, nghiên cứu phác đồ điều trị cho tôm được hiệu quả hơn.
Kim Sơ