Đừng mơ một “cuộc cách mạng nhung”
Sau khi Đảng ta công bố Dự thảo Văn kiện Đại hội XII để lấy ý kiến của nhân dân, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về Dự thảo Văn kiện đã được tổ chức. Ý kiến của cá nhân cũng đã được báo chí đăng tải.
Tuyệt đại các ý kiến đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát biểu cởi mở, chân thành mong muốn Đại hội XII sẽ là một Đại hội đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hướng tới mục tiên: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân góp ý cho Dư thảo Văn kiện của MTTQ Việt Nam cho thấy tuyệt đại ý kiến của người dân đều đồng tình với Dự thảo Văn kiện và cho rằng không vì những khó khăn nhất thời của công cuộc đổi mới, không vì những vấn đề “nóng” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo mà dao động về con đường đi lên CNXH. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng, chưa hài lòng về tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; tình trạng một số loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp diễn… Nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp đảo nhân tạo trong vùng biển đảo Việt Nam.
Thế nhưng, lợi dụng góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, có kẻ đã “giả vờ” thất vọng, lấy cớ than thở: “chờ một Trường Chinh mới”. Lại có vị, ý tứ gợi ý, hay Đảng ta nên thực hiện “một cuộc cách mạng nhung”. Lại có một thế lực ra mặt, nói: Hiện nay “Việt Nam đang ở bên bờ hủy diệt… Các số liệu… cho thấy nền kinh tế và chính trị đều có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”. “Hãy tiến hành ngay một cuộc cách mạng, mà lực lượng là tầng lớp cấp tiến, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, các tổ chức xã hội dân sự”(!).
Mục tiêu của cuộc cách mạng này là mục tiêu “kép”. Đó là “thực hiện một cuộc cải cách thể chế thay đổi căn bản”. Đồng thời “liên minh với Hoa Kỳ”.
Theo họ cuộc cách mạng này “chỉ cần Đảng bớt độc quyền, độc đoán, độc tài vì Đảng mà hãy vì nhân dân, vì Tổ quốc mở rộng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền”. Chỉ có như vậy “Việt Nam sẽ đủ điều kiện đón nhận cánh tay mạnh mẽ, đáng tin cậy của Hoa Kỳ và các nước đồng minh”(?).
Vậy thực chất kịch bản chính trị này là gì? Tính hiện thực của nó ra sao?
Trước hết phải nói rằng, “kịch bản” “cách mạng nhung” ở Việt Nam là một cách nhìn kỳ thị, qua lăng kính “cận thị”, đen tối, nếu không nói rằng đó là một sự xuyên tạc đầy ác ý.
Không phủ nhận rằng Việt Nam đang phải đối diện với các nguy cơ nhiều khó khăn thách thức, bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ “diễn biến hòa bình” những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút; kinh tế phát triển chưa bền vững…, nhưng không thể phủ nhận được những thành quả to lớn trong 30 năm đổi mới (1986-2016).
Cho đến nay nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn 5 năm trước, nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được tăng cường; cho đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia, trong đó có quan hệ với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Điều đó có nghĩa chế độ xã hội ta đã được xác lập và đứng vững trong lòng dân tộc và được cộng đồng quốc tế tin cậy.
Đường lối đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam dựa trên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, với chiến lược “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế, không phân biệt sự khác biệt về ý thức hệ, vì lợi ích của các bên. Đường lối đó cũng không hạn chế Việt Nam tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng với các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ.
Với các nội dung của Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tôn trọng và bảo đảm các quyền con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; hội nhập quốc tế sâu rộng… Những nội dung trên cho thấy quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Con đường đi lên CNXH không chỉ là sự lựa chọn trong lịch sử của thế kỷ XX mà còn là con đường đang được Đảng và nhân dân ta tiếp tục hoàn thiện, phù hợp với xu thế của thời đại.
Chỉ có những kẻ hoang tưởng mới cho rằng Việt Nam đang có thời cơ cho một cuộc “cách mạng nhung”.
Vọng Đức