“Đùng lăn thiên địa lúc rời tay”

Trẻ em chơi đánh quay.
Đáng tiếc những năm gần đây cơn bão kinh tế thị trường đã cuốn mất khá nhiều những trò chơi dân gian ấy. Điển hình như trò chơi “Đánh quay” ở các vùng quê của con trẻ trước đây rất phổ biến, nay hầu như không còn.

Đánh quay, còn gọi là đánh cù, cũng có nơi gọi là đánh gụ. Người Mông gọi là đánh tu lu. Mỗi bộ quay gồm con quay đẽo hình đầu đạn, bán kính chừng 3–4cm, làm bằng gỗ tốt, cứng, nặng và một sợi dây dài chừng 2m. Đây là trò chơi ngoài trời chủ yếu dành cho con trẻ mà hầu hết là các bé trai. Trẻ em dân tộc Mông ở Mộc Châu lẫm chẫm bước đi đã có con quay làm bạn - món đồ chơi do bố làm cho để tập đánh quay từ nhỏ, hi vọng lớn lên khoe tài khéo léo và sức mạnh của mình.

Do trò chơi không chỉ chứa đựng bên trong những nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là môn chơi rèn giũa đạo đức, trí lực, ý thức cộng đồng của con người, nên “đánh quay” – trò chơi dân gian này trở thành phần không thể thiếu trong các lễ hội và mỗi dịp Tết đến, Xuân về ở các miền quê nước ta.

Để con quay quay được tròn vòng đến mức người xem tưởng như con quay đứng im trên mặt nền quay là tổng hợp của sự khéo léo đến điêu luyện từ khâu chọn gỗ gọt con quay sao cho tròn đều, nhẹ dần từ đỉnh quay đến cuối con quay. Ngay việc chọn đinh quay, dây quay cũng không hề đơn giản, chỉ cần một khâu nhỏ nào làm mất độ cân bằng là ảnh hưởng ngay đến cân bằng quay của con quay.

Kỹ thuật chơi quay ngoài trí thông minh, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, người chơi quay phải biết dùng thế và lực để điều khiển cánh tay ra quay thật chuẩn xác. Nhà Văn hóa học Huệ Chi phát hiện ra rằng con quay phụ thuộc vào tâm (tâm trí-PĐ) của người đánh quay.

Và cho dù có nội lực đầy đủ đến mấy nhưng nếu không rèn giũa thường xuyên, liên tục thì người đánh quay cũng không thể giỏi được. Chả thế mà thời xưa, Vua thường cử các quan về vùng quê chọn các em chơi quay giỏi để “nhắm người làm Tướng”!

Còn Nhà thơ Tản Đà đã từng tức cảnh viết: “Trời sinh ra tớ kiếp con quay/ Quay tít mù xanh nghĩ cũng hay/ Lì mít giang sơn khi chóng mặt/ Đùng lăn thiên địa lúc rời tay...”.

Người lớn chúng ta thử tưởng tượng một đứa trẻ chơi quay giỏi đã rèn luyện được bao nhiêu những phẩm chất, đức tính tốt? Chắc chắn bố mẹ, kể cả trường học cũng không dạy được. Thế vậy sao chúng ta lại để mất đi trò chơi dân gian quý giá này?

Mơ ước của người viết mong trò chơi “Đánh quay” sớm được phục hồi.

Phạm Đông