Dũng “khùng” đã về “Thế giới người hiền”

CCB, giảng viên Nguyễn Dũng kể về tấm ảnh của mình chụp ở Quảng Trị năm 1972.

Sáng 21-6, tôi vừa mở hộp thư điện tử của Báo, thì nhận được thư của CCB Nguyễn Trà Vinh - UVTV Hội CCB phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Trong thư viết: Kính gửi Tòa soạn, tôi đọc báo CCB VN số tháng 6-2020, đến chuyên mục “Chuyện Binh nhì”, nhìn tấm ảnh biểu trưng của chuyên mục, lòng thật xốn xang và tự hỏi: Không biết Ban Biên tập đã biết nhân vật trong tấm ảnh này đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 10-6 vừa qua chưa? Người lính trẻ trong ảnh đội mũ tai bèo, nét mặt đầy tự tin, tươi tắn đó là Nguyễn Dũng - một người bạn sinh viên, cùng nhập ngũ và cùng chia lửa với tôi trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Người cả đời sống vì đồng đội, đau đáu với việc tìm hài cốt liệt sĩ và giúp đỡ những đồng đội khó khăn…

Đọc xong thư, tôi bấm máy gọi ngay cho anh Vinh, sau chút dò xét, anh hồ hởi: Viết về Dũng “khùng” à, sang mình đi. Để mình gọi thêm Lương Thái nữa. Hai lão ấy cùng trung đội ở Quảng Trị đấy...

Sang nhà anh Vinh, gặp tôi, anh Thái hỏi luôn: “Chuyện về Dũng “khùng” à, có mà viết cả cuốn sách. Chú định viết đoạn nào?”.

- “Dạ, chuyện binh nhì ạ!” - “Ok, với ông Dũng thì có những chuyện thời binh nhì kéo dài đến tận cuối đời đấy”. Rồi anh kể:

Năm 1970, chúng tôi thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa, tôi học Khoa Vô tuyến điện, Dũng và Vinh học Khoa Chế tạo máy. Cho mãi đến sau này, Dũng vẫn nói với chúng tôi: “Tao là niềm tự hào của gia đình, dòng họ vì được vào học Bách khoa đấy”. Là dân Hà Nội gốc, rất nỗ lực học tập cùng cái vẻ hơi “ngang” trước mọi người nên Dũng dành được sự ngưỡng mộ của không ít bạn bè.

Ngày 6-9-1971, chúng tôi hào hứng lên đường nhập ngũ cùng hơn 600 sinh viên và cán bộ giảng dạy của Trường. Tôi, Dũng và Vinh được biên chế vào c4, d8, e95, f325. Nửa năm huấn luyên ở Việt Yên, Bắc Giang đã đem lại cho chúng tôi biết bao kỷ niệm. Những bài học chính trị, những nội dung lý thuyết thì cánh lính sinh viên chúng tôi tiếp thu rất nhanh. Thử thách chủ yếu là các nội dung thực hành và quá trình luyện rèn. Là người chịu khó đọc sách, học hỏi, lại có trí nhớ tuyệt vời nên Dũng luôn đạt kết quả tốt ở mọi khoa mục. Hắn mê “Thép đã tôi thế đấy” và thần tượng Pavel Corsaghin nên luyện tập rất hăng. Những buổi tập trên đồi cao ong ong nắng rám, hay đêm đông giá buốt, chúng tôi không ngán mà còn có chút hào hứng thử nghiệm chính mình. Nhờ to khỏe, nhanh nhẹn nên khi được giao khẩu RPD, hắn hãnh diện lắm...

Với lính sinh viên thời đấy, mấy trò vặt chọc “khăm” cán bộ thì chắc đơn vị nào cũng có. Ở đại đội tôi, Dũng là tay đầu têu, như chuyện vỗ tay sớm khi cán bộ chưa nói xong, đế thêm câu “Mình thì mình” khi đại đội hát bài “Vì nhân dân quên mình”...

Chuyện hay trốn về ngày chủ nhật của Nguyễn Dũng kể ra cũng thật dài. Hắn mang cả xe đạp lên gửi ở nhà dân để “bùng” cho tiện. Có lần Nguyễn Dũng còn viết sẵn bản kiểm điểm để trong ba lô, đạp xe sáu chục cây số từ Hà Nội lên đến đơn vị là tự giác lấy ra nộp cho chỉ huy. Có điều, về Hà Nội, hắn cũng chẳng ham chơi bời mà đạp xe đến từng nhà đồng đội để “kêu gọi” tiếp tế đồ ăn và thuốc lào, thuốc lá. Vì thế, cánh lính Hà Nội được gia đình gửi đồ “bồi dưỡng” qua hắn đều đều. Thì ra, hắn trốn về cũng không chỉ vì riêng mình mà còn lo cả cho anh em nữa. Cái tính “lo cho mọi người” có phần hảo hán ấy còn theo Nguyễn Dũng vào chiến trường và suốt cả cuộc đời.

Huấn luyện xong, chúng tôi lên đường đi B. Ngày 15-7-1972, đơn vị vào đến Trà Liên, Triệu Phong, Quảng Trị. Chúng tôi cùng ở b3, c18 – đơn vị thông tin của e95. Tôi ở Ái Tử, Dũng ở Nhan Biều, cùng trên một trục đường dây. Trong vùng chiến sự khốc liệt ấy, hắn vẫn đi “bòn” đồ ăn về cho anh em trong tiểu đội.

Còn chuyện về tấm ảnh thì Dũng có kể với chúng tôi: Một lần, ở căn cứ Ái Tử, hắn gặp một phóng viên quân đội liền nhờ: “Anh chụp cho em một pô nhé”. Thấy cậu lính trẻ hồn nhiên, tươi tắn mà thật chững chạc, nhờ người phóng viên ấy đã chụp. Bức ảnh đã được gửi về gia đình Dũng ở 317B phố Bạch Mai, Hà Nội. Nguyễn Dũng coi đây là một may mắn lớn mà ít ai có được.

Sau khi ra quân, trở về Trường Bách khoa, Nguyễn Dũng tiếp tục cuộc sống với những năm tháng sôi động, đầy ý nghĩa. Các CCB, Ban Giám hiệu và nhiều thế hệ thày, trò Trường ĐH Bách Khoa rất cảm phục và lưu truyền nhiều chuyện về sự “khùng” rất đáng yêu, đáng quý trọng của thầy Dũng: Một tấm gương tự học siêu phàm; một giảng viên đại học từng đi giao nước rửa bát đóng chai cho các cửa hàng để có tiền giúp đỡ đồng đội khó khăn. Một người có nhiều đề tài sinh học đem đến giúp các đồng đội là nhà nông trồng cấy...

Đặc biệt, thầy Nguyễn Dũng luôn đau đáu việc tri ân những đồng đội hy sinh. Thầy đã đi hàng chục chuyến vào Nam ra Bắc để tìm, xác minh, thắp hương… liệt sĩ. Thầy nhớ thông tin về hàng trăm liệt sĩ của Trung đoàn. Cùng đồng đội, thân nhân của liệt sĩ, thầy Nguyễn Dũng đã tìm và xác minh được nơi an táng của hàng trăm liệt sĩ. Nhờ đó, hài cốt của nhiều đồng đội đã được người thân đưa về an nghỉ ở quê hương .

Cho đến những ngày tháng cuối đời, CCB Nguyễn Dũng vẫn trăn trở về công việc tri ân đồng đội. Quý mến, kính trọng anh, những CCB BK6971, Trung đoàn 95 chúng tôi tâm niệm sẽ tiếp tục làm tốt việc “nghĩa tình đồng đội” như Nguyễn Dũng đã làm.

Bài viết của tôi xin là nén Tâm nhang tiễn CCB, giảng viên Nguyễn Dũng về với “Thế giới Người hiền”.

Vũ Quang Huy (Theo lời kể của CCB Lương Thái - 98 Nguyễn Văn Giáp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)