Dùng khói bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ
Ngày 13-6-1967, Bộ Tổng tham mưu giao Cục Hóa học (nay thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học) sử dụng màn khói để ngụy trang các mục tiêu… Cục Hóa học cử ngay một phân đội màn khói bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ, mục tiêu quan trọng đang bị máy bay Mỹ uy hiếp. Đại đội 92 chúng tôi được nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Nhà máy điện Yên Phụ ở phía Bắc thủ đô Hà Nội, là cơ sở cung cấp điện cho thành phố nên, theo kế hoạch và phương án chiến đấu bảo vệ nhà máy, khói được bố trí trận địa vòng tròn quanh nhà máy, bằng nhiều tầng, nhiều hướng và điểm hỏa trực tiếp bằng tay. Tầng 1 bố trí các thùng khói thể lỏng loại C4, dùng xe đặc chủng phun nước vào tạo khói bốc cao. Bốn trận địa cơ bản là: gió Đông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc và 4 trận địa phụ khe góc, bảo đảm thả khói chỉ sau 1 đến 3 phút khói sẽ dày đặc che kín mục tiêu và cả vùng lân cận làm cho máy bay địch khó nhận rõ mục tiêu để oanh kích.
11 giờ 45 phút ngày 21-8-1967 tiếng còi báo động của thành phố vang lên, máy bay địch cách T.P Hà Nội 200 km về phía Tây Bắc. Sau ít phút, tất cả các trận địa màn khói báo cáo về sở chỉ huy đã ở vị trí chiến đấu chờ lệnh phát khói. Lúc 12h10 phút, 4 chiếc F4H của địch bay vòng hướng Tây rồi ngoặt lại lao tới mục tiêu. Đài quan sát kịp thời báo cáo sở chỉ huy lệnh phát khói. Đồng loạt khói bốc lên dữ dội. Máy bay địch phóng một quả bom điều khiển trúng tường bảo vệ nhà máy. Lúc này, Nhà máy điện chìm trong màn khói dày đặc, bom địch dội nhiều không trúng mục tiêu, nhưng có 1 quả nổ gần sở chỉ huy làm trung úy Nguyễn Văn Vy - Chính trị viên phó đại đội hy sinh; đứt một số dây điện. Các trận địa tiếp tục nhả khói theo kế hoạch, nhà máy được che kín an toàn. Đến 12 giờ 30 phút trận đánh kết thúc. Sở chỉ huy xuống tận trận địa kiểm tra, đôn đốc và lệnh củng cố lại các trận địa, bổ sung khói đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu tiếp.
Sau trận đánh, ngay trong đêm và những ngày hôm sau, để chuẩn bị tốt hơn cho các trận đánh sau giành thắng lợi, cơ quan tham mưu Cục Hóa học, Cục Tác chiến, Cục Kỹ thuật và các Bộ nghiên cứu tỷ mỷ, rút kinh nghiệm nghiêm túc, tìm cách khắc phục sai sót về tổ chức chỉ huy và kỹ thuật, bổ sung khí tài, phương tiện chiến đấu, tăng cường luyện tập, tổ chức hiệp đồng giữa phân đội khói với các đơn vị bạn thêm những phương án khác nhau.
Những ngày đầu tháng 10-1967, không quân Mỹ đánh phá hầu hết các trung tâm công nghiệp Thủ đô Hà Nội, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Trong tình hình chiến đấu khẩn trương và căng thẳng đó, các lực lượng nói chung và phân đội màn khói nói riêng không một chút lơ là, mất cảnh giác, kiên cường bám trụ trên các trận địa, quyết không để dòng điện của Nhà máy bị ngắt.
11 giờ 40 phút ngày 26-10-1967, địch cho nhiều tốp đánh phá ngoại vi Hà Nội và sau đó đánh vào Nhà máy điện Yên Phụ. Toàn trận địa màn khói bước vào trận đánh đầy tin tưởng bởi những phương án tối ưu vừa được bổ sung. Các chiến sĩ màn khói ở tầng thấp, tầng cao đồng loạt phát khói dày đặc, che kín mục tiêu, nhà máy được bảo vệ.
Từ đài quan sát chỉ huy, phát hiện sườn phía nam nhà máy khói đang tan, cần bổ sung khói ngay. Theo phương án chiến đấu, Đặng Đình Thướng - chiến sĩ xe đặc chủng được lệnh cho xe cơ động theo đường Nguyễn Trường Tộ thả bổ sung khói… Trong khói bom mù mịt, Đặng Đình Thướng dũng cảm, vững vàng tay lái điều khiển xe lao lên phát khói bổ sung phía nam nhà máy. Một quả bom nổ gần làm chân trái Thướng bị thương, xe chết máy. Anh xé áo may ô băng vết thương, máu ra nhiều làm Thướng kiệt sức, nhưng anh vẫn cố trườn lên thùng xe chỉnh lại giá thả khói bị cong, rồi xuống buồng lái nghiến răng cho xe tiếp tục thả khói bổ sung. Sau trận đánh này, Đặng Đình Thướng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và kết nạp vào Đảng.
Tại trận địa Châu Long, đang thả khói thì sự cố xảy ra. Ống cao su dẫn chất lỏng C4 phát khói nóng quá bị nổ tung. Không ngần ngại nguy hiểm, đảng viên trẻ Cao Minh Hỗ lao đến, dùng hai bàn tay nắm chặt ống cao su bị vỡ, đảm bảo khói tiếp tục phát ra che kín mục tiêu.
Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Đại đội 92, Cục Hóa học đã chiến đấu 47 trận bảo đảm an toàn cho các mục tiêu. Đại đội 92 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu cùng các binh chủng khác bảo vệ an toàn Nhà máy điện Yên Phụ. Kết thúc chiến tranh, được sự đồng ý của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Đại đội 92, Cục Hóa học được gắn phù điêu chiến thắng trên bức tường Nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội.
Lương đoàn (nguyên Chính trị viên Đại đội 92 Cục Hóa học, Bộ Tổng tham mưu)