Đừng “đùa” với Covid-19
Không ai bất ngờ khi T.P Hà Nội có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mà bất ngờ chính là mức độ lây lan “đa cấp” của loại vi rút này. Bất ngờ hơn nữa khi được “mắt thấy, tai nghe” cuộc “vây bắt con vi rút”, chỉ mấy ngày qua mà đã vượt khỏi cả biên giới nước ta ra nhiều nước trên thế giới.
Đúng là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nếu tính thiệt hại về công sức, tiền của thì riêng đi “vây bắt vi rút” lây lan từ một người đã phải chi phí tiền của vô cùng lớn rồi. Còn điều trị người nhiễm dịch, đòi hỏi phương tiện y tế cũng rất ngặt nghèo, khác hẳn với những dịch bệnh khác. Vì cứu người mắc dịch Covid-19 nhất thiết mỗi bệnh nhân phải lập tức có một máy trợ thở ô xi.
Một bệnh nhân, mười bệnh nhân, một trăm bệnh nhân… có thể cung cấp đủ máy trợ thở một lúc. Nhưng bệnh nhân vượt lên đến con số hàng ngàn thì quả là không đơn giản! Vì không nền y tế nước nào lại dự trữ máy trợ thở nhiều đến như thế - lại càng không đủ bác sĩ theo dõi nhịp thở cho từng bệnh nhân (theo dõi trợ thở nhất thiết phải là bác sĩ điều trị).
Đó là chưa nói người chữa bệnh không thể thiếu quần áo bảo hộ và khẩu trang y tế dùng một lần… Ví dụ, T.P Hồ Chí Minh chỉ riêng 5 nhóm người bắt buộc phải đeo khẩu trang đã là hơn 322.000 người - tức 966.000 chiếc/ngày. Nếu 2 triệu học sinh thành phố đi học trở lại đều đeo khẩu trang, mỗi ngày cần thêm 3 triệu chiếc thì thành phố không thể đáp ứng được, vì thành phố hiện chỉ có 20 doanh nghiệp cung cấp mỗi ngày hơn 2,5 triệu chiếc khẩu trang.
Thế mới thấu hiểu và cảm thông cho những nước bị bùng phát dịch. Lại càng thấm thía bài học về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng, thì mới có đủ khả năng chiến thắng “giặc dịch”.
Nước ta sẽ chưa có “bệnh nhân thứ 17 mắc dịch Covid-19”, nếu người phụ nữ nọ có ý thức cảnh giác khai báo y tế ngay khi làm thủ tục lên máy bay từ London về nước ngày 1-3.
Huy Thiêm