Đừng để “chảy máu” đất nông nghiệp (01/12/2011)

Phát biểu kết luận Hội nghị T.Ư 3 khóa XI của Đảng mới đây, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế; đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải kiên quyết giữ 3,8 triệu héc-ta đất trồng lúa còn lại. Vấn đề trên cũng được nhấn mạnh tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII khi thảo luận về “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015” và “Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020”.

Theo thống kê, chỉ sau 10 năm đã có 370.000 ha đất trồng trọt bị chuyển mục đích sử dụng làm khu công nghiệp, nhà ở, công trình giao thông, công trình du lịch, giải trí... Hiện nay, nước ta có 118 sân golf, chiếm 15.600 ha. Toàn quốc có 100.000 ha khu công nghiệp nhưng 54% diện tích này đang bị bỏ hoang, lãng phí 54.000 ha. Các cụm công nghiệp hiện chiếm 28.000 ha nhưng tỷ lệ bỏ hoang cũng tương tự, chưa biết khi nào lấp đầy. Về đất đô thị, trong 10 năm, ta đã chuyển hàng chục nghìn héc-ta đất lúa sang đất đô thị nhưng hàng loạt quy hoạch treo, hàng loạt biệt thự bỏ hoang đã chứng tỏ đất đô thị đang bị lãng phí nghiêm trọng, trong khi tình trạng đầu cơ, buôn bán đất đai, bất động sản tạo ra sự bất công lớn giữa nông dân và các nhà kinh doanh nhà đất.

Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy đất trồng lúa trở nên vô giá và trở thành vấn đề sống còn đối với người nông dân. Người bị thu hồi đất cảm thấy xót xa khi hàng trăm nghìn héc-ta đất lúa bị chuyển đổi. Xót xa hơn khi diện tích đất ấy bị sử dụng hoang phí, rồi biến thành những dự án “treo”. Giao lại một mét vuông ruộng chỉ được đền bù vài trăm ngàn đồng trong khi cũng với mét vuông đất ấy, người ta đổ đất sỏi lên, xây dựng hạ tầng qua loa, xin được một dự án phát triển phố phường, giá bán sẽ là hàng chục, hàng trăm triệu. Ai được lợi trong chuyện này? Còn với nông dân, mất ruộng là mất tất, từ nghề nghiệp, của cải đến tương lai con cái.

Điểm qua như thế để thấy rằng trong khi chúng ta phải đổ xương máu để giữ chủ quyền đất đai nhưng đất đai ấy đang bị phá hoại, đang bị băm nát để làm giàu cho một số người. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới có 10,5 triệu héc-ta đất lúa, 30 năm nay họ vẫn giữ được dù Thái Lan cũng là nước đang phát triển, cần rất nhiều đất làm hạ tầng. Còn ta, cách đây một thế kỷ có gần 5 triệu héc-ta, nay chỉ còn 3,8 triệu héc-ta, nguy cơ còn sụt nữa. Đất lúa mất dần, mất vì thay đổi khí hậu, mất vì con người vụng về và thô bạo, liệu có dẫn đến cảnh từ xuất khẩu gạo, nước ta lại trở thành nước nhập khẩu gạo không?

Nghị quyết của Đảng đã kết luận, Chính phủ cũng có những nghị quyết nhằm bảo vệ đất lúa. Muốn giữ 3,8 triệu héc-ta đất lúa như mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn bộ hệ thống chính trị; đồng thời cần khoanh định rạch ròi diện tích đất trồng lúa nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời phải xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương để “chảy máu” đất lúa.

Dương Sơn