Đừng “chống dịch trong phòng lạnh”
Thủ tướng trò chuyện với đội y tế tăng cường đến hỗ trợ người dân tại khu nhà trọ Bình Quới A sau khi đội tiếp nhận cuộc gọi của người dân qua số điện thoại khẩn cấp.
Hình ảnh ấn tượng nhất trong lòng nhân dân tuần qua, có lẽ là hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra một khu nhà trọ công nhân tại T.P Thuận An (Bình Dương). Đây là một trong những “vùng đỏ” của Bình Dương về dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị một người dân trong vùng đang bị “khóa chặt, đông cứng” gọi điện lên đường dây nóng của phường, xin hỗ trợ khi gặp khó khăn. Kết quả, người dân gọi đến lần thứ 4 mới có người nghe máy và thái độ của người trực đường dây nóng chưa thỏa đáng với sự khẩn cầu của người dân giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”. Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính kiên nhẫn đứng kiễng chân, khuỷu tay dựa vào tường cho đỡ mỏi, kiên trì đợi tín hiệu trả lời người dân từ đường dây nóng có sức động viên to lớn đối với người dân trong các vùng có dịch và nhân dân cả nước.
“Chúng ta xác định lấy các xã, phường làm “pháo đài” chống dịch nên cần có các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân một cách kịp thời. Các đồng chí phải về các xã, phường để chỉ đạo, ngồi trên này ít thôi” - chỉ đạo mộc mạc của Thủ tướng Chính phủ nhưng rất được nhân dân đồng tình.
Tình hình đại dịch Covid-19 tại T.P Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam diễn biến rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân. Chúng ta thường đổ lỗi do các biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2 rất khó đối phó, trên thế giới cũng lúng túng chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng trên thực tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp còn có cả nguyên nhân về sự thiếu sâu sát của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.
Lường trước tính chất phức tạp của đại dịch, ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải ‘thần tốc” tiến hành công tác cứu trợ, nhất là đối với những đối tượng lâu nay chính quyền cơ sở chưa quan tâm quản lý là đối tượng lao động tự do (xe ôm, bán hàng dong, người lang thang, cơ nhỡ...). Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất cao, đi kiểm tra các tỉnh, đồng chí đã nhắc nhở: “Để dân đói là các đồng chí có lỗi”. Bộ LĐTBXH khi triển khai gói hỗ trợ này, đã nhấn mạnh: Đợt hỗ trợ này phải tiến hành khẩn trương, chấp nhận có những sai sót nhưng kiên quyết không để dân đói, bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ.
Từ đầu tháng 7-2021, báo chí cả nước, trong đó có Báo CCB Việt Nam đều đã lên tiếng cho rằng, không thể tiến hành hỗ trợ đối tượng lao động tự do theo cách thông thường, mà phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị ở cơ sở, “đi từng nhà, rà từng người”, đi đến đâu hỗ trợ ngay đến đó, vừa hỗ trợ vừa lập hồ sơ... Nhưng rõ ràng, chính quyền T.P Hồ Chí Minh một số nơi chưa lắng nghe báo chí. Ở nhiều phường, xã vẫn tiến hành theo thông lệ, giao các tổ dân phố lập danh sách. Một ông tổ trưởng dân phố, thường là sức khỏe có hạn, làm sao có thể “thần tốc” biết hết được có bao nhiêu người lang thang cơ nhỡ, bao nhiêu lao động tự do đang cư trú trên địa bàn mình? Kết quả là rất nhiều người hoang mang, dao động vì ở lại thành phố mà không có ai hỗ trợ; cuộc “tháo chạy” khá hỗn loạn của người dân khỏi T.P Hồ Chí Minh là thất bại không gì bào chữa được của chính quyền thành phố.
Cho nên, có thể hiểu vì sao, người dân khu vực “vùng đỏ” nói riêng, người dân cả nước nói chung lại xúc động trước hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính kiên nhẫn chờ đợi sự hồi đáp của điện thoại đường dây nóng đối với người dân. “Chống dịch như chống giặc”, người chỉ huy chống giặc xông pha nơi tuyến đầu, nắm chắc “bệnh quan liêu” của không ít cán bộ, công chức cấp xã, phường, đưa ra những chỉ đạo kịp thời và kiên quyết, truyền niềm tin mạnh mẽ đến cộng đồng cũng như đưa ra thông điệp cứng rắn cho toàn thể hệ thống chính trị về thói “chống dịch trong phòng lạnh”.
Từ hành động của Thủ tướng Chính phủ, nên chăng cần có quy định tạm thời về việc cán bộ, công chức “vi hành” khi địa bàn có dịch. Hiện tại, chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có biên chế 19-23 cán bộ, công chức. Nếu cắt cử 50% số cán bộ, công chức ấy hằng ngày sâu sát đến từng tổ dân phố, thôn bản, thì làm sao dân còn phải gọi điện “cầu cứu”, làm sao còn chuyện dân gọi điện 4 lần mới có người nhấc máy. Trong khi đó, trên thực tế, qua phản ánh của báo chí, vẫn còn rất nhiều người dân trong vùng cách ly, phong tỏa không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền.
Và có lẽ, cần phải có “kỷ luật sắt” bằng việc thay thế ngay những cán bộ chủ trì ở các “vùng đỏ” để xảy ra tình trạng người dân không được hỗ trợ kịp thời. Vừa qua, một số cán bộ yếu kém, chống dịch không hiệu quả đã bị xử lý. Cần mạnh tay hơn nữa để thực sự tạo sự chuyển biến trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay.
Ngọc Vân