Đưa sâm Ngọc Linh thành cây xóa đói giảm nghèo
Những năm qua, bên cạnh những thành tựu trong phát triển KTXH, đồng bào DTTS nước ta vẫn còn tụt hậu nhiều mặt. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Sâm Ngọc Linh là một trong những LSNG điển hình với giá trị kinh tế cao, được Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đến năm 2030. Tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Có thể nói LSNG là một nguồn tài nguyên tái sinh vô cùng quý giá của cộng đồng DTTS nói riêng và của cả nước nói chung. LSNG tại Việt Nam đã bước đầu được quan tâm và chú trọng.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói: “Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 lựa chọn chủ đề “Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS” thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh KTXH giai đoạn sau 2020, các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần đề ra các giải pháp, chính sách đột phá, nhất là huy động nhiều nguồn lực cho phát triển KTXH vùng dân tộc miền núi. Các địa phương cần chủ động nghiên cứu, tìm hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững KTXH của địa phương mình; tiếp tục nghiên cứu, tiến hành di thực và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, những LSNG có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây Sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến, sáng kiến của Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2018; đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp thu và cụ thể hóa các đề xuất; tăng cường công tác quản lý và triển khai thực hiện tốt các chính sách đã đề ra nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo ra bước đột phá trong phát triển KTXH ở vùng đồng bào DTTS...
Nam An