Đưa Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống: Thành thực tự phê bình và phê bình, thiết thực góp phần xây dựng Đảng hiện nay (29/03/2012)
Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) của Đảng đã chỉ ra: Bên cạnh những thành tựu công tác xây dựng Đảng, những năm qua công tác này vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những hạn chế yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thể hiện như: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc. Điều này từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, trong các văn kiện và nhiều văn bản khi nói về xây dựng Đảng, Đảng ta đều chỉ ra nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực.
Chúng ta chưa đề ra được những giải pháp cụ thể thiết thực và làm kiên quyết triệt để đến nơi, đến chốn, mà chỉ nêu ra một cách chung chung… Phải chăng đã mắc một căn bệnh là không ít việc làm chưa triệt để, đến đầu, đến đũa; chưa triệt để trong nhận thức các nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng, chưa triệt để trong việc đặt kế hoạch và thực hiện kế hoạch chỉnh đốn, xây dựng Đảng, cũng chưa triệt để khi đi vào hành động. Nhiều khi chúng ta tỏ ra nửa vời, nhất là đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; nên quần chúng nhìn nhận về những người lãnh đạo của mình như là những người lý thuyết suông, nói nhiều, làm ít, nói mà không làm và tệ hơn nữa là nói một đằng, làm một nẻo. Vì thế , niềm tin của quần chúng vào cán bộ, đảng viên bị suy giảm nghiêm trọng. Vậy “bộ phận không nhỏ” đó nằm ở đâu? Là đối tượng cán bộ cao cấp, trung cấp hay sơ cấp là chủ yếu. Trong khi đó, chi bộ nào, đảng bộ nào, đơn vị nào cũng đều nói còn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nhưng khi hàng năm phân tích chất lượng đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì chi bộ nào, đảng bộ nào, đơn vị nào cũng đạt tỷ lệ rất cao. Như vậy, “một bộ phận không nhỏ” đó không có ở đơn vị mình, cấp mình, chi bộ mình và ngay trong bản thân mình lại càng không có. Do không ít người nhận thức hiểu như vậy, nên tình trạng nhiều người nói theo nghị quyết, nhưng không làm theo nghị quyết, dẫn đến nghị quyết đề ra không đạt hiệu quả như mong muốn. Điều đó ai cũng biết, không ai dám tự phê bình và phê bình một cách trung thực thẳng thắn vô tư, chỉ ra những khuyết điểm sai lầm để có những giải pháp sửa chữa. Việc kiểm điểm đảng viên cuối năm, phê bình và tự phê bình chỉ là hình thức, phê bình lấy lệ, nói xuê xoa cho được lòng nhau… không phản ánh thực chất.
Có thể nói, điểm mới ở Nghị quyết T.Ư 4 lần này Đảng ta đã đề ra những nhóm giải pháp rất cụ thể và sát với yêu cầu đặt ra. Trước hết, là nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình. Theo đó, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư từng đồng chí kiểm điểm trước, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, liên quan đến một số vấn đề nêu trong Nghị quyết, làm rõ ưu, khuyết điểm gắn với chức trách, nhiệm vụ và đề ra giải pháp khắc phục, làm gương cho cấp dưới noi theo; làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.
Các đồng chí uỷ viên Ban cán sự, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc T.Ư, lãnh đạo các ban của T.Ư Đảng, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Trong quá trình kiểm điểm cần liên hệ, gắn với xem xét việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề tổ chức cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương. Trước khi kiểm điểm, tự phê bình cần có hình thức phù hợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm…
Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn về tính gương mẫu, về trách nhiệm… của cấp ủy, lãnh đạo ở các đơn vị cụ thể; lãnh đạo cấp trên có dám tự phê bình và phê bình, nhận khuyết điểm, sai lầm để cấp dưới noi theo; đồng thời có bản lĩnh đấu tranh phê bình thẳng thắn những đồng chí khác, nhất là những đồng chí cán bộ cấp trên của mình…
Điều cần chú ý là trong quá trình tự phê bình và phê bình phải trung thực, thẳng thắn vô tư, có lý có tình, có tổ chức, không tùy tiện. Thái độ tự phê bình và phê bình với ý thức trách nhiệm cao, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, không bao che, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật. Phê bình để giúp nhau tiến bộ, thể hiện tình đồng chí, tính nhân văn cao cả, chứ không phải là lợi dụng xúc phạm danh dự người khác.
Thực hiện như lời Bác dạy, phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy. Nó sẽ có hậu quả xấu như thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa; tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, bảo thủ. Không nên phê bình lấy lệ, càng không nên trước mặt không nói, xoi mói sau lưng.
Trần Duy