Đưa Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống: Lãnh đạo phải nêu gương (14/03/2012)
Đó là phải làm gương trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các quy định, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải làm gương trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; biết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh với sai trái, tiêu cực…
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, ở phần nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên, trong đó nhấn mạnh: “Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”…
Vì thế, cấp càng cao, càng phải nghiêm, càng phải gương mẫu, trên có chính, dưới mới yên. Trong Đảng, việc làm gương phải bắt đầu từ các đồng chí lãnh đạo cấp T.Ư cho đến cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Có như vậy mới tạo ra sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, trong toàn xã hội và việc củng cố, chỉnh đốn Đảng mới có chuyển biến sâu sắc, thiết thực.
Những người có chức, có quyền dễ xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí phải kiểm điểm về những việc cụ thể trước. Tuy khó nhưng những hiện tượng này cũng có thể nhận diện được qua một loạt giải pháp như: căn cứ vào sự kê khai hằng năm của cán bộ, đảng viên về nhà cửa, đất đai, trang trại, cổ phiếu, cổ phần, phương tiện đi lại, sinh hoạt đắt tiền, việc con cái đi du học ở nước ngoài, sự giàu lên một cách nhanh chóng và những phát hiện mới của tổ chức, cá nhân; phát động quần chúng, nhân dân ở cơ quan, đơn vị, nơi cư trú tố giác, báo cáo những biểu hiện tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên. Yêu cầu cán bộ, đảng viên chứng minh cho được nguồn gốc tài sản, của cải, sự giàu có của bản thân, gia đình, vợ con.
Những biểu hiện của sự bè phái, mất đoàn kết nội bộ, sự lãng phí trong lãnh đạo, chỉ đạo trong chi tiêu, sinh hoạt của cơ quan và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng dễ dàng phát hiện ra nếu có cơ chế giữ bí mật, bảo vệ những ý kiến, người dám nói thẳng, nói thật. Những kê khai của cán bộ, đảng viên cần phải được công khai cho tổ chức, cán bộ, đảng viên, quần chúng nơi công tác và nhân dân nơi cư trú biết để giám sát.
Những vấn đề như văn hóa, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng thực ra được thể hiện trực quan qua hình ảnh của từng đảng viên cụ thể. Uy tín chung của Đảng phụ thuộc hoàn toàn vào hình ảnh của người đảng viên cộng sản thời đại mới trong mắt nhân dân. Bằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bằng quá trình bồi dưỡng, rèn luyện và giáo dục, bằng các hành vi, cử chỉ cụ thể của từng đảng viên, chúng ta phải tạo ra một hình ảnh người cộng sản được nhân dân chấp nhận và tín nhiệm. Đây cũng là một công việc hết sức khó khăn. Không ai khác, chính là các đảng viên chân chính phải tự nhận về mình trọng trách này. Đã đến lúc phải đi vào thực chất trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng; tấm gương và sự nêu gương là quan trọng, đó là vấn đề nguyên tắc, phải làm bằng được. Trách nhiệm ấy là của lãnh đạo, của đảng viên.
Nói Đảng là tổ chức có trí tuệ và đạo đức, văn minh thì người lãnh đạo phải tượng trưng cho trí tuệ đó, lương tâm, đạo đức đó. Ngược lại, người ta nhìn thấy những người không có tài, có đức mà lại có chức có quyền thì có nói gì cũng không thuyết phục được. Tấm gương là quan trọng. Nói và làm đi đôi với nhau. Nói hay mà làm dở thì không thể nêu gương được. Nói về thực thi các chính sách thì chính bản thân nhiều cán bộ đảng viên không thực hiện tốt; nói tấm gương Bác Hồ nhưng bản thân lãnh đạo không học tập tấm gương ấy... thì làm sao nêu gương được? Hiện nay những tấm gương tốt có nhiều, nhưng những tấm gương xấu, những con sâu mọt chui vào trong Đảng và Nhà nước cũng không ít. Lãnh đạo đánh bạc tiền tỉ là do tổ chức, bố trí nhầm người, khâu tổ chức phải chịu phần trách nhiệm. Một thực tế cho thấy như ở Sóc Trăng, Hà Giang và ở vụ Tiên Lãng đặt ra vấn đề sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Những vụ như vừa rồi làm lộ rõ thực tế, cán bộ không có tài, chẳng có đức, mà vẫn có chức, có quyền, thậm chí là chức quyền to, cho nên làm bậy, hư hỏng. Vậy nên, Đảng và Nhà nước phải phát hiện ra sâu mọt và tiêu diệt chúng, làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước trở nên trong sạch, lấy lại được lòng tin của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức, có tài. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Thanh Lâm