Đưa Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống: Kiểm điểm và xử lý (16/08/2012)
Từ tháng 8-2012, tiến hành kiểm điểm phê bình và tự phê bình đối với tập thể và cá nhân các Tỉnh uỷ, Thành ủy, các tổ chức Đảng và Đảng ủy trực thuộc T.Ư. Ngày 13-8-2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt và triển khai việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 theo đúng kế hoạch đề ra. Bộ Chính trị đã xác định 25 vấn đề cần được xem xét và giải trình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm, phê bình, tự phê bình trong 12 ngày chia làm 2 đợt: đợt 1 gồm 4 đồng chí lãnh đạo cao nhất, đợt 2 là các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết, người phát biểu dài nhất gần 2 giờ, ít nhất cũng 30 phút. Các vấn đề yếu kém, khuyết điểm sẽ được xem xét kết luận cụ thể trong tháng 12-2012. Như vậy, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã nêu gương, làm mẫu và tạo đà cho cuộc vận động chỉnh đốn xây dựng Đảng đạt kết quả như mong đợi.Từ đó các cấp thấp hơn cần kiểm điểm thẳng thắn, dũng cảm thừa nhận yếu kém khuyết điểm, không bào chữa quanh co hoặc đổ lỗi cho khách quan, né tránh trách nhiệm cá nhân.
Thực tiễn đã chứng tỏ, 26 năm đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất đáng tự hào. Tuy nhiên, một thực tế đau lòng và đáng báo động là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân với Đảng. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI đã nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật, chỉ ra phương thuốc chữa trị để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Nhân dân kỳ vọng và tin tưởng ở việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 sẽ tạo ra bước đột phá về xây dựng Đảng. Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm xong đem lại niềm tin là Nghị quyết T.Ư 4 sẽ được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, không đánh trống bỏ dùi, không đầu voi đuôi chuột. Cùng với kiểm điểm, xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là việc quy kết trách nhiệm đúng mức, rõ ràng minh bạch và có biện pháp xử lý đúng người, đúng việc. Sau cuộc kiểm điểm này, sẽ có cán bộ, đảng viên phải bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc truy cứu trách nhiệm. Hẳn đó là việc bình thường. Nhưng sẽ không bình thường nếu như sau kiểm điểm, phê bình, tự phê bình lần này, đặc biệt là ở cấp Ban lãnh đạo Đảng, các đồng chí cấp cao vẫn yên vị như không có việc gì xảy ra. Chẳng hạn, một đồng chí cấp cao lúc tại vị phát biểu rất đúng, rất hay về phẩm chất đạo đức và sự nêu gương nhưng vừa rời nhiệm sở đã không làm đúng những điêu mình đã nói ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, thì những đảng viên này cũng phải kiểm điểm nghiêm túc và cần thiết thì kỷ luật. Vậy nên, kiểm điểm dù được đánh giá là nghiêm túc, thẳng thắn mà không đi liền với quy kết trách nhiệm và xử lý thì chắc chắn chưa thể làm yên lòng đảng viên và nhân dân. Nói phải đi đôi với làm để Nghị quyết T.Ư 4 thực sự đi vào cuộc sống.
Minh Hà