Đưa khách “Tây” lên bản
Các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào người Thái.
Trước đây, đời sống của bà con đồng bào DTTS ở Hoa Tiến chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và làm nương rẫy. Nhưng từ khi các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái được nhiều người biết đến, đặc biệt là đối với các du khách nước ngoài thì Hoa Tiến dần đã trở thành một điểm nhấn về du lịch cộng đồng ở Nghệ An.
Làng Thái cổ Hoa Tiến thuộc xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An), được coi là cái nôi dệt, thêu thổ cẩm của đồng bào Thái. Sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con bản Hoa Tiến rất đa dạng, từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải gường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, ví, cà vạt, khăn quàng cổ, khăn đội đầu với những nét văn hóa tinh tế và độc đáo. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến được nhuộm bằng chất liệu từ các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm thổ cẩm của các vùng, miền khác. Do đó thổ cẩm Hoa Tiến rất được du khách ưa chuộng, nhất là khách du lịch quốc tế.
Tuy vậy, để có một sản phẩm dệt thổ cẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Có những người đã ở lại rất lâu để học cách dệt, có những người đặt vấn đề nhập hàng thổ cẩm mang về nước bán, lại có cả những du khách mang cách dệt vải của nước họ ra đối chiếu để tìm hiểu, so sánh với cách dệt của người Thái. Từ đó đã khiến du lịch ở đây ngày càng phát triển, đời sống của bà con cũng cải thiện hơn trước nhiều.
Từ khi được cấp bằng công nhận là Làng Du lịch, du khách khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến làng Hoa Tiến ngày một nhiều. Đời sống người dân nơi đây không còn quá phụ thuộc vào chăn nuôi, làm rẫy nữa. Nhiều gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch cộng đồng, đưa khách du lịch vào ở ngay trong chính căn nhà của mình để có được những trải nghiệm thú vị về văn hóa, phong tục và những nét độc đáo trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái.
Không chỉ dừng lại ở du lịch, nhiều khách nước ngoài tìm đến đây còn muốn thực sự trải nghiệm một cách chân thực nhất toàn bộ cuộc sống của người bản địa từ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc ra ruộng cấy lúa, vào mùa gặt thì đi gặt lúa cùng bà con, rồi đi hái dâu nuôi tằm và ngồi bên khung cửi dệt vải. Vài người còn nằn nì chủ nhà dạy cho những câu tiếng Thái đơn giản để giao tiếp hay để có thể hát trọn vẹn một bài hát của người Thái. Đối với họ, đây thực sự là những trải nghiệm không thể nào quên để mỗi khi có dịp lại muốn quay trở lại thăm mảnh đất ấy, con người ấy.
Sầm Thị Tình