Về điều kiện tự nhiên, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt cũng như nguồn nước ngầm dưới đất. Theo thống kê,Việt Nam chúng ta có 108 lưu vực sông với 3.450 sông suối có độ dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước trung bình hàng năm đạt khoảng 830 tỷ mét khối, tiềm năng nguồn nước dưới đất khoảng 140 triệu m3/ngày đêm, bình quân đầu người đạt 9.000m3/năm. Tuy nhiên, phần lớn các sông lớn của nước ta như sông Hồng, sông Mê Kông đều bắt nguồn từ các quốc gia lân cận, điển hình như sông Mê Kông là sông lớn thứ 10 trên thế giới dài hơn 4.000km nhưng qua các nước Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi mới đổ vào Việt Nam, lượng nước nội sinh chỉ chiếm 37% tổng lượng nước, thứ hai là lượng nước thay đổi theo mùa. Do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino cùng việc các nước xây đập thủy điện nên các nước hạ lưu đang phải đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng như hiện nay tại Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và đặc biệt như khu vực ĐBSCL. Dòng chảy hạn chế dẫn đến nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội địa, tác động xấu rất lớn đến cuộc sống cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL hiện nay.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, không thể không kể đến yếu tố con người đã tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt cũng như nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Thứ nhất là chuyện phát triển ồ ạt các loại cây cần nhiều nước không theo quy hoạch như lúa nước, cà phê... khiến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm không đảm bảo được nhu cầu. Cùng đó là hiện tượng sụt lún bề mặt đất do người dân ồ ạt khoan giếng khai thác nước ngầm, nhiều gia đình khoan vài ba giếng trên cùng một đơn vị diện tích, nhất là ở Tây Nguyên và các tỉnh ĐBSCL trong những năm qua khiến nguồn nước ngầm bị hạ thấp mỗi năm vài ba mét. Vấn đề thứ hai là chuyện sử dụng nguồn nước quá lãng phí của người dân khi việc áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm được triển khai quá ít trong người dân; tập quán tưới cho cây trồng như rau các loại, nhất là cây cà phê từ trên cao xuống, tưới gốc liên tục trong ngày và với lượng nước rất lớn, thừa quá nhiều so với nhu cầu sinh trưởng của cây vẫn diễn ra phổ biến tại các địa phương. Vấn đề thứ ba là chuyện các cơ sở công nghiệp thải chất độc hại không qua xử lý thẳng ra tự nhiên gây ô nhiễm môi trường; những năm qua chúng ta đã xử lý một số trường hợp nhưng vấn nạn này vẫn gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm cây trồng và các loại thủy hải sản bị chết. Vấn đề cuối cùng là việc xả nước bất ngờ của các công trình thủy điện đầu nguồn trong mùa mưa lũ khiến người dân ở các khu vực hạ du trở tay không kịp, nước dâng cao khiến cuộc sống người dân và sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại tức thì. Đây là những nguyên nhân đều từ con người, người nông dân có, các doanh nghiệp cũng có và ở tầm quản lý vĩ mô cũng có; nguyên nhân đã biết, đã có nhiều biện pháp nhưng xem ra, mọi chuyện vẫn còn dài dài.
Biện pháp tốt nhất để hạn chế những khó khăn hiện nay, bên cạnh những biện pháp của cấp vĩ mô thì chính người dân cần tự tìm cách “sống chung với hạn”, tự điều chỉnh tập quán sản xuất để bảo vệ nguồn nước địa phương mình, bảo vệ cuộc sống của chính mình đúng với chủ đề “Nước với việc làm” của Ngày Nước thế giới (22-3) năm nay của LHQ với thông điệp: Nguồn nước được cải thiện, công việc sẽ tốt đẹp hơn.
Quốc Huy