Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như thế nào?

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, sáng 24-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương với 65 điều; đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Đáng chú ý, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, Điều 10 dự thảo luật quy định:

Bộ Nội vụ quản lý tài liệu, cơ sở dữ liệu gồm: Tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương; cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; tài liệu lưu trữ dự phòng Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao.

Việc quản lý, lưu trữ tài liệu của tổ chức Đảng trong các ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

Ngoài ra, Điều 11 của dự thảo luật cũng quy định: Đối với cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an và Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành.

Điều 19 dự thảo luật quy định: Sau khi hết thời hạn lưu trữ tại lưu trữ hiện hành, việc lưu trữ tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của ngành Quốc phòng, ngành Công an và Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định.

Lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật này là về lưu trữ tài liệu điện tử.

Trước đó, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan; có ý kiến đề nghị đối với tài liệu số lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kết cấu của dự thảo luật được chỉnh lý không quy định chương riêng về lưu trữ điện tử mà lồng ghép vào Chương 3 về nghiệp vụ lưu trữ; nhằm vừa bảo đảm tính thống nhất trong nghiệp vụ lưu trữ, vừa bảo đảm các quy định được rõ ràng, đầy đủ hơn cho từng loại hình tài liệu lưu trữ và giúp cho việc tổ chức thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

Bên cạnh đó, Điều 22 của dự thảo luật đã quy định lập tài liệu lưu trữ dự phòng đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng nặng, do đó đề nghị không bổ sung quy định về chuyển tài liệu số sang tài liệu giấy để lưu trữ.

QĐND