Dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Ai có thể dùng PrEP?

PrEP được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng sau:

  • Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM);

  • Người chuyển giới nữ (TGW);

  • Phụ nữ bán dâm;

  • Các cặp dị nhiễm tức có 1 người nhiễm HIV và 1 người không nhiễm; trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.

PrEP sử dụng như nào?

PrEP uống hằng ngày đã chứng minh hiệu lực >95% với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, trong một số thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của vài nghìn người.

Hiện nay hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo sử dụng PrEP hằng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao.

Lưu ý gì khi sử dụng PrEP?

  • PrEP chỉ là một phần trong chiến lược dự phòng tổng thể HIV;

  • PrEP cần có thời gian để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa, vì vậy cần sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

  • PrEP sẽ đạt hiệu quả bảo vệ tối đa sau 7 liều dùng đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và sau 12 liều dùng đối với nhóm phụ nữ.

  • PrEP không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ngoài HIV.

  • PrEP nên uống hằng ngày và theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Phản ứng phụ khi dùng PrEP là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ, sẽ hết trong 1-2 tuần. Nếu kéo dài, nên gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.

PrEP được cung cấp ở đâu?

Hiện nay PrEP được cung cấp chủ yếu tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm Y tế Quận I; Phòng khám Glink; Phòng khám Galant; Phòng khám Nhà mình…) và tại Hà Nội (Phòng khám Đa Khoa Ánh Sáng LIGHT). Tuy nhiên trong thời gian tới, PrEP sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh thành phố khác trong cả nước nhằm phục vụ cộng đồng.

Thành An