Dù ở cương vị nào, thời kỳ nào cũng kiên định và sáng tạo

PV: Thưa Đại tướng! Sau khi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử ở nam Hưng Yên, Đại tướng được Trung ương điều về Hà Nội để xây dựng lực lượng và tiến hành khởi nghĩa. Đại tướng cho biết rõ, lúc bấy giờ phải giải quyết vấn đề gì là cấp bách và quan trọng nhất đối với Hà Nội.
Đại tướng Nguyễn Quyết: Năm 1942 ở Hưng Yên, địch xóa sạch các cơ sở cách mạng, chúng tôi phải xây dựng lại từ đầu. Xây dựng được 2 chi bộ ở Dưỡng Phú và Tân Cầu với 11 đảng viên. Tôi có một kinh nghiệm sâu sắc nhất là xây dựng cơ sở ở từng người, từng nhà, rồi nhân ra địa bàn xã, huyện, trí thức, công nhân, nông dân. Đây là yếu tố quyết định trong xây dựng cơ sở, căn cứ chiến lược trong hoạt động cách mạng.
Khi được điều về Hà Nội năm 1943, tình hình lúc đó là rất cam go do địch khủng bố ác liệt. Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt, các cơ sở cách mạng của ta bị tan rã hoặc bị đánh bật đi nơi khác, có tới 18 Ban cán sự Thành ủy bị khủng bố, chúng tôi phải xây dựng lại và chọn vùng ngoại thành để xây dựng cơ sở, căn cứ cũng dùng phương thức là từng người, từng nhà, rồi nhân rộng ra các vùng lân cận. Nòng cốt xây dựng được các lực lượng là nông dân, công nhân, trí thức. Khi có lực lượng mạnh, cơ sở căn cứ an toàn, hoạt động tốt ở ngoại thành rồi, tiếp tục tiến vào nội thành. Vấn đề quyết định lúc bấy giờ là xây dựng lực lượng mạnh, cơ sở, căn cứ, chiến lược mạnh, có phương thức đúng mới giành thắng lợi.

PV: Là người trực tiếp chỉ huy mũi đánh chiếm Trại bảo an binh là trung tâm đầu não của ngụy quân, ngụy quyền và trực tiếp đối mặt với tên Thụ-quan ba của Pháp, phải chăng, trong giờ phút quyết tử ấy, Đại tướng đã chiến thắng địch bằng trí tuệ của người chỉ huy?
Đại tướng Nguyễn Quyết: Đất nước ta đang bị quân thù chà đạp, chế độ bất công, nhân dân chết đói quá nhiều. Tất cả những gì quân thù gây ra đã dồn nén trong trái tim tôi, dù tuổi còn trẻ, nhưng khí tiết xung thiên, những hành động, lời nói "đều rất đanh thép và quyết đoán". Tôi quyết định rất mau lẹ tịch thu vũ khí của chúng nếu không nhanh, chần chừ, tên Thụ sẽ nhờ viện trợ của bọn Nhật thì cách mạng sẽ gặp nguy hiểm. Quả thật đúng như nhận định của tôi, sau khi tịch thu vũ khí xong thì quân Nhật đến cùng xe tăng nhằm giải cứu tên Thụ nhưng đã muộn.

PV: Đại tướng Lê Trọng Tấn đã viết trong bài "Bài học vỡ lòng" (NXB QĐND) về tổ chức chỉ huy đánh chiếm một trại lính bảo an binh, nhưng bị thất bại. Hơn 40 người hi sinh và bị thương, 60-70 người bị bắt. Đại tướng Lê Trọng Tấn ra Hà Nội xin chi viện của Việt Minh. Xin Đại tướng cho biết về cuộc gặp này.
Đại tướng Nguyễn Quyết: Đồng chí Lê Trọng Tấn ra Hà Nội gặp Việt Minh xin chi viện nhưng bị bắt giữ vì nghi ngờ, anh em giam giữ một đêm. Sáng hôm sau gặp anh Lê Trọng Tấn, tôi đã trao đổi kĩ với anh về vấn đề này và cử đồng chí Lê Trọng Nghĩa vào giúp Hà Đông. Với phương thức dùng lực lượng quần chúng trấn áp, nổi dậy, tạo sức mạnh áp đảo buộc tên quản Dưỡng phải đầu hàng. Đây là phương thức giành thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội mà đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo các địa phương khởi nghĩa theo phương thức của Hà Nội.

PV: Xin Đại tướng cho biết, với công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng ta hiện nay, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị và tính thời đại của nó. Đảng ta, nhân dân ta tiếp tục phát huy truyền thống đó trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhất là thế hệ trẻ hiện nay như thế nào?
Đại tướng Nguyễn Quyết: Cách mạng Tháng Tám là một kinh nghiệm quý báu và sâu sắc của cuộc đời tôi. Đây là nền móng vững chắc và có giá trị xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi trong khởi nghĩa, kháng chiến, đổi mới của Đảng ta. Dù ở vị trí nào, thời kỳ nào cũng kiên định và sáng tạo, vận dụng sáng tạo những nguyên lý chủ nghĩa Mác, tư tưởng Bác Hồ vào những vấn đề cụ thể và cấp bách của cuộc cách mạng, hướng tới mục tiêu cao cả là thắng lợi. Có thể nói, vấn đề quyết định là chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng. Sáng tạo, đoàn kết, tự lực, tự cường cao, không ỷ lại, chờ đợi, kiên quyết chống sai lầm, nhận định đúng địch-ta để có phương thức đúng, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đúng như phát biểu của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong buổi gặp mặt các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu ngày 13-8-2012 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 67 năm cách mạng Tháng Tám: "Đầu tiên tôi xin kính chúc các anh, các chị lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc, các anh chị là tấm gương sáng và anh hùng, đã làm nên lịch sử oai hùng, là những thế hệ nối tiếp cha, anh. Cách mạng Tháng Tám 1945 là một mốc son vĩ đại của dân tộc ta; có Cách mạng Tháng Tám thì mới có Điện Biên Phủ, mới có ngày 30-4-1975, mới có đổi mới. Thế hệ chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng phát huy bài học tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, kiên định của Cách mạng Tháng Tám, với bài học Cách mạng Tháng Tám đến nay và mãi sau vẫn còn nguyên giá trị và sức sống của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại độc lập, dân tộc và xây dựng CNXH".

PV: Xin cảm ơn Đại tướng.Phạm Xuân Bình (thực hiện)