Dư luận lên tiếng về vụ việc ông Trần Ngọc Tăng. (03/07/2012)

*Bạn đọc VĂN QUANG, 379 đường Phúc Tân, P.Phúc Tân Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội khẳng định: "Cần làm rõ nhiều vấn đề về Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Việt Nam", nội dung cụ thể như sau:
*Hồi hộp và lo lắng đó là tâm trạng của tôi và nhiều cựu chiến binh khác cách đây ít tháng vì có những thông tin trái chiều về việc bầu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến vào tháng 5/2012. Mãi tới Quốc hội kỳ họp thứ 3 khóa XIII nỗi lo lắng, hồi hộp đó mới tan biến và rất mừng bởi Quốc hội ngày càng đổi mới. Quả thật lời Bác Hồ dạy “ Có làm thì mới có khuyết điểm, không những có khuyết điểm, chỉ sợ thấy sai mà không sửa” đã được các vị Đại biểu Quốc hội thực hiện bằng việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến. Vậy là báo Cựu chiến binh Việt Nam và báo Người cao tuổi không lâm nạn và càng khẳng định tuổi cao chí lại càng cao… Chúng tôi càng tin yêu báo của Hội.
Đúng ngày kỷ niệm lần thứ 87 báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi lại được nhận diện ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đang là đại biểu Quốc hội thông qua bài viết tại trang 8 số ngày 21/6 của Báo Cựu chiến binh Việt Nam.
Một lần nữa bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ lại được khẳng định trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và thực hiện nghị quyết TW 4 khóa XI. Theo thông tin từ bài viết, cần làm rõ nhiều vấn đề về Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tôi và bạn đọc nhận thấy ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiềm ẩn một số lỗi mà cơ quan cấp trên cần làm rõ: Có dấu hiệu tiêu cực và thiếu trung thực của một người Đảng viên, của một cán bộ lãnh đạo cao cấp với động cơ mục đích tham quyền cố vị để hưởng lợi. Đó là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa con cháu vào vị trí chức vụ cao của Hội chữ thập đỏ Việt Nam không đúng quy trình.
Nếu ta đem so sánh thì bà Yến chỉ là một doanh nhân của một doanh nghiệp tư nhân còn ông Tăng lại là một cán bộ Đảng viên được Đảng đào tạo và tin dùng vào những vị trí, trọng trách của đất nước. Lỗi của bà Yến chỉ là thiếu trung thực, chưa có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Ông Tăng ngoài lỗi thiếu trung thực còn có thêm 2 dấu hiệu khác nữa.
Ở tôi và nhiều cựu chiến binh khác không có xung đột với ông Tăng về quyền lợi, vị trí công tác, cũng như chưa bao giờ biết mặt nhau mà có thù ghét gì…Xong thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và pháp luật cần sớm làm rõ về những hành vi của ông Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam lại là đại biểu Quốc hội để báo chí đỡ mất thời gian phanh phui. Đặc biệt là uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, chống tham nhũng.
Có lẽ đến lúc này vị Chủ tịch cần nhạy cảm trước suy nghĩ của bạn đọc đó là việc đấu tranh phê và tự phê bình. Âu tự nguyện xin từ chức là hay hơn cả. Bởi nếu bỏ phiếu bãi nhiệm thì còn bị tai tiếng lớn hơn. Mọi người đang chờ đợi tinh thần dũng cảm của một đảng viên Trần Ngọc Tăng.
Bạn đọc Phạm Đình Thuận, 46 đường S3 phường Tây Thạnh - quận Tân Phú - TP. HCM viết: Là cán bộ tham gia hoạt động từ năm 1960 đến nay đã về hưu, tôi rất tâm đắc và phấn khởi với loạt bài báo đã đăng trên báo Cựu chiến binh số 21 tháng 6 năm 2012 và báo Người cao tuổi điện tử, về những việc làm sai trái của ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Tôi thấy các đồng chí rất dũng cảm, rất anh hùng, dám khui ra tiêu cực ở một cán bộ cấp cao, lợi dụng chức quyền đưa cháu vào làm Trưởng ban tổ chức, Phó bí thư Đảng uỷ, Uỷ viên Ban kiểm tra, khi chưa là chuyên viên chính. Bản thân ông Tăng cũng khai man lý lịch để vào đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ các đ/c cần kiến nghị để ông Tăng thôi đại biểu Quốc hội và xử lý ông Hùng cháu ông Tăng thôi chức Trưởng ban tổ chức. *Một số ý kiến khác được gửi tới Báo CCB Việt Nam, cụ thể:
*Bà Nguyễn Thị Gái Chủ tịch hội CTĐ xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nêu ý kiến : Tôi có đọc 2 bài báo do báo CCB Việt Nam và Người cao tuổi đăng về trường hợp ông Tăng, cá nhân tôi thấy những sai phạm này không thể chấp nhận được với một cán bộ cao cấp như Ông Tăng, là một Đảng viên đáng lẽ ra phải gương mẫu, trong cách sống, trong công việc, nhưng lại không làm được điều đó thì để ông trên cương vị đó làm gì, đáng lẽ ra phải cho ông nghỉ từ lâu rồi…Còn Cựu Chiến binh Nguyễn Hữu Vệ chủ tịch Chi hội hữu nghị Việt-Lào xã Hiệp Hòa thì bộc bạch : Tôi có đọc bài về ông Tăng do tác giả Hiệp Hòa viết đăng trên báo Cựu chiến binh, tôi thấy tối kị nhất với người cán bộ là không trung thực: về hưu thì nói về hưu, giấu diếm để làm gì? Rõ ràng là động cơ không trong sáng tham quyền cố vị để vụ lợi cán bộ, đất nước này mà ai cũng như ông Tăng thì sẽ ra sao ? Cá nhân tôi không đồng ý để ông Tăng là đại biểu Quốc hội… Ông Nguyễn Phi thị trấn Ninh, Yên Khánh Ninh Bình thì bức xúc : Dứt khoát các cấp xem xét và cho nghỉ ngay, vì ông Tăng đã vi phạm những điều Đảng viên không được làm, mà đây là vi phạm có ý thức chủ quan, cố ý chứ không thể đổ cho ai được, bãi miễn ông Tăng ra khỏi đại biểu Quốc hội là nguyện vọng của cử tri chúng tôi, vì là người đại diện cho nhân dân mà ông không trung thực thì đại diện cho ai ? Trong khi chúng tôi đang thực hiện cuộc trao đổi này thì chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của cán bộ công nhân viên và hội viên Hội CTĐ trong cả nước họ rất bất bình và bức xúc cho là thời gian qua các cơ quan thẩm quyền cấp trên đã xem xét cho ông Tăng nghỉ là sáng suốt và đảm bảo tính công bằng dân chủ. Nhưng thế vẫn chưa đủ mà yêu câu không để ông Tăng được điều hành Đại hội Chữ thập đỏ nhiệm kì 2012-2017 nữa, vì đã có những sai phạm nghiêm trọng như vậy thì không xứng đáng, không đủ tư cách điều hành đại hội nữa, mà nên điều người ở cấp trên có đức có tài về điều hành Đại hội.

Dương Sơn