Ngày 9-7, ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập (1960-2014). Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn thử thách, từng bước khẳng định vị thế, vai trò của một ngành công nghiệp không khói, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Con người Việt Nam cần cù, nhân hậu; đất nước Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; có lịch sử văn hóa hàng nghìn năm là những tiềm năng đa dạng, phong phú giúp ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, trong năm 2013 có 7,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và gần 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tới 40.000 di tích thắng cảnh, trong đó có 3.000 di tích cấp quốc gia; 8 di sản thế giới ; 117 bảo tàng; 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 30 vườn quốc gia; 400 nguồn nước nóng; 125 bãi tắm biển; có Vịnh Hạ Long được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An đã được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới… với doanh thu hơn 160.000 tỷ đồng, đóng góp gần 5% vào GDP của cả nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động. Ngoài đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước, ngành Du lịch còn giúp các du khách nước ngoài cũng như trong nước hiểu sâu hơn, chính xác hơn về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của Việt Nam, nhất là trong điều kiện phức tạp hiện nay khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Trong bối cảnh như vậy, du lịch biển đảo của Việt Nam lại đang được các du khách ưa thích, mở hướng phát triển mới trong du lịch; ngoài ra còn có tuyến du lịch truyền thống lịch sử Điện Biên Phủ kết hợp các tuyến du lịch khác như Sa Pa, Phú Quốc, Nha Trang… Những đóng góp của ngành Du lịch vào nền kinh tế-xã hội đất nước là vô cùng to lớn, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Bên cạnh những thành tích to lớn ấy, ngành Du lịch Việt Nam cũng còn những khiếm khuyết không nhỏ cần khắc phục như nạn “chặt chém”, hạ tầng cơ sở thiếu và yếu, chất lượng dịch vụ và quản lý kém, nạn “ăn xổi ở thì” tạo ấn tượng xấu cho du khách. Khắc phục những khiếm khuyết này cần sự vào cuộc to lớn của Nhà nước, của ngành chủ quản và sự phát huy cao độ chủ trương xã hội hóa để có chủ trương phù hợp, có nguồn vốn đầu tư xứng tầm để thu hút và phục vụ khách du lịch, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch. Sự ra quân và hoạt động thực tế của ngành Du lịch chủ quản, của các cấp chính quyền thời gian qua đã tạo nên những chuyển biến khá lớn, song để ngành Du lịch nước nhà phát triển xứng tầm đòi hỏi sự đầu tư và hành động quyết liệt hơn, thường xuyên hơn. Du lịch không đơn thuần chỉ là ngành kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị hết sức lớn đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ta hiện nay.
Thanh Huyền